Tháng vừa rồi mình có hơi bất ngờ một chút là blog của mình nhận được gần 300 lượt Search engines từ Google về chủ đề chuyện du học ở Vương Quốc Anh. Thật sự thì “Du Học” không phải chủ đề gì quá mới mẻ với các bạn trẻ ở Việt Nam, vì thời đại bây giờ người người nhà nhà cho con đi du học rồi, gần thì có Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, xa hơn một chút thì Châu Âu hay Vương Quốc Anh (như mình chẳng hạn), xa nữa thì có Mỹ Canada Úc hay New Zealand,… và cũng không quá khó khăn để cho con đi du học đối với một gia đình có điều kiện kinh tế một chút. Lật lại bài viết “Du học Vương Quốc Anh? Bắt đầu từ đâu?” mà mình đã viết trước đây, thì tài chính là điều kiện đầu tiên phải cân nhắc để đi du học nếu như bạn không phải là một người học hành quá xuất sắc (điển hình là mình). Nên Mai quyết định sẽ viết một bài chia sẻ góc nhìn cá nhân về chuyện “Đi Du Học” và “Học Đại Học tại Việt Nam”, đặc biệt là dành cho các bé đang ở độ tuổi trung học phổ thông và các bậc phụ huynh có con cái chuẩn bị vào Đại Học/ Cao đẳng đang phân vân không biết nên đầu tư cho con đi du học nước ngoài hay học tại trường Đại Học ở Việt Nam.

Sau 3 năm du học ở Vương Quốc Anh, đây là những điều “được” và “mất” của mình!
Ở Việt Nam mọi người thường biết tới nước Anh như là “thủ phủ tài chính của Châu Âu”, và rất nhiều bạn của mình chọn sang Anh học về những ngành tài chính kế toán, nhưng ngoài ra ngành công nghiệp Sáng tạo, Quảng Cáo và Truyền Thông của Vương Quốc Anh thật sự rất phát triển. Mình đã từng ví von Quảng Cáo và Thương Mại ở Anh, đặc biệt là London, giống như không khí vậy, nó ở khắp mọi nơi với đủ các hình dạng và loại hình.
Để nói về những cái “Được” khi đi du học thì chắc nhiều lắm không thể kể hết trong bài viết này được, nên Mai sẽ liệt kê những điều quan trọng nhất thôi nhé.
- Cải thiện tiếng Anh. Mặc dù Mai đã được học chương trình 100% bằng tiếng Anh ở IU, nhưng trình độ tiếng Anh của mình chỉ là writing tàm tạm thôi chứ khả năng speaking thì í ẹ lắm. Nên khi đi du học ở Anh, mình có cơ hội được tiếp xúc với tiếng Anh và sử dụng nó như một phương tiện sinh tồn vậy, đặc biệt là trong các tình huống như lên nhầm tàu, lạc đường, quên đồ ở train station, hay thậm chí là đi phỏng vấn xin việc và đi làm thêm … chứ không chỉ đơn thuần là dùng để học hành.
- Việc cố gắng học tập và tốt nghiệp với một tấm bằng danh dự từ một trường đại học ở nước ngoài cũng góp một chút phần vào con đường xin việc trong tương lai. Tuy bằng cấp không giúp nhà tuyển dụng tự tin rằng bạn là một nhân viên xuất sắc trong tương lai, nhưng nó cũng là một lợi thế cạnh tranh của bạn so với những ứng viên khác. Một điểm lợi của việc đi du học ở những nước có nền giáo dục thật sự phát triển và được công nhận trên thế giới như Phần Lan, Anh, Mỹ, Úc, … sẽ giúp du học sinh đa dạng thị trường làm việc của mình hơn, bởi vì các bạn không chỉ có cơ hội làm việc ở các công ty lớn nhỏ, đa quốc gia khi trở về Việt Nam, mà còn ở các nước phát triển khác trong khu vực là Singapore, Malaysia, Thái Lan hay thậm chí là đất nước mà bạn đã du học (nếu bạn thật sự xuất sắc khiến nhà tuyển dụng sẵn sàng hỗ trợ visa làm việc, vì thật sự ở Anh câu chuyện du học và ở lại làm việc là hai câu chuyện khác nhau, nếu có cơ hội Mai sẽ kể ở một bài viết khác).
- Đi du học giúp Mai dạn dĩ, tự lập và sống có trách nhiệm hơn. Thật sự là hồi ở Việt Nam Mai cũng không hay nấu ăn, tại vì học dốt quá nên toàn bị ba mẹ cho đi học từ sáng tới tối thôi, nên làm gì có cơ hội đi chợ hay làm việc nhà đâu. Nhưng từ khi đi du học, phải quen với việc sống không có ba mẹ người thân kề cạnh, mình đã biết thay bóng đèn, sơn tường, hay biết dùng đinh ốc tua-vít để đóng ráp giường tủ bàn ghế, … cũng như tự xử lý các tình huống trong cuộc sống hằng ngày. Riêng nấu ăn hay pha chế nó đã thành một điểm mạnh của Mai rồi, và cũng như rất nhiều các bạn du học sinh khác.
- Đi du học đã giúp Mai mở mang về nhận thức và hiểu biết do được tiếp thu rất nhiều kiến thức mới và hay ho của thế giới. Việt Nam bây giờ cũng đã rất phát triển rồi, nhưng thật sự đi ra khỏi lãnh thổ đất nước mình để tới sống, học tập và làm việc ở một đất nước phát triển, điển hình như Vương Quốc Anh, Mai không chỉ được học chuyên sâu về chuyên ngành mình muốn theo đuổi mà còn biết rất nhiều điều về xã hội và khoa học thường thức. Thật sự, kiến thức nó không chỉ là từ trường lớp và sách vở mà còn từ đời sống sinh hoạt hằng ngày. Ngoài ra nhờ ở Anh, Mai không chỉ có điều kiện đi du lịch và tìm hiểu các nền văn hoá khác nhau giữa Vương Quốc Anh và các nước thuộc Liên minh Châu Âu, mà còn được đọc và mua rất nhiều sách ngoại ngữ, vì ở các nước phương Tây, đặc biệt là ở Anh, chính phủ rất chú trọng về chuyện đọc nên bất cứ ở các phương tiện di chuyển công cộng luôn có báo giấy miễn phí để người dân đọc, cũng như có rất nhiều thư viện công cộng để người dân có thể vào đọc sách và tìm tài liệu. Một số cái thư viện lớn như British Library ở London thì phải đăng ký thẻ thư viện để được vào đọc và mượn sách.

Vậy còn những điều “Mất” khi đi du học là gì nhỉ?!
- Tiền bạc. Một trong mười câu nguyên tắc trong Micro-economics mà Mai tâm đắc nhất là “The cost of something is what you give up to get it” (Tạm dịch: Chi phí của một cái gì đó là điều mà bạn từ bỏ để có được). Trên hành trình trưởng thành, dù là bất kỳ ai, chúng ta luôn phải trả giá cho những bài học dù tốt hay xấu. Và trong hành trình này, gia đình Mai đã phải chi trả kha khá tiền để Mai có thể học tập và sống gần 3 năm ở Anh, cụ thể là ở thủ đô London.
- Thời gian. Trong khi bạn bè cùng trang lứa với Mai đã có vài năm kinh nghiệp lăn lộn với nghề hay bỉm sữa, thì Mai vẫn còn tít mù ở một nơi phương trời xa xôi này để hết cắm mặt vào bài vở thì lại vật lộn với việc tìm kiếm việc làm để có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực chuyên môn trước khi tốt nghiệp bậc Thạc sỹ vào năm sau.
- Thật sự thì cuộc sống du học sinh không có nhiệm màu (fancy) nhưng mọi người vẫn nghĩ đâu, trừ khi là gia đình có điều kiện kinh tế vững chãi để các bạn du học sinh không chỉ tập trung học hành mà còn ăn chơi mua sắm nhảy múa các kiểu. Vì đa phần du học sinh như mình, ngoài thời gian cắm mặt vào bài vở thì phần lớn thời gian là đi làm thêm để kiếm thêm sinh hoạt phí hay tiết kiệm cho các chuyến đi về thăm quê hay du lịch bốn phương. Phải tranh thủ lắm mới được một hôm nằm nhà ngủ thẳng cẳng thôi, chứ đi công viên phơi nắng chill thôi cũng hiếm hoi, vì không có thời gian hoặc là thời tiết không cho phép.
- Bạn bè. Đa phần mọi người khá bận rộn với cuộc sống riêng, nên hiếm mà có chuyện alo í ới nhau đi ăn bánh tráng trộn trà sữa tán dóc như ở Việt Nam mỗi khi tan học hay tan làm. Vì ai cũng chỉ mong được về nhà sớm sớm để còn đi ngủ, còn tranh thủ nữa thì có thể giặt đồ bẩn hoặc dọn phòng, hay viết nốt cái bài luận để sáng mai còn nộp kịp deadline. Chưa kể là nơi đất khách quê người, dù có là đồng hương cũng chưa chắc đã đáng tin đâu, vì ở đâu thì nhân sinh cũng có thể chơi nhau hết hồn cả. Nên thật sự sau 3 năm ở UK mình đã tự phân ra một số khái niệm về: Bạn bè – Người quen – Đồng nghiệp, do không dễ mà tìm được bạn bè chơi thật tâm và hết lòng với nhau. Sự xa cách này có thể vì nhiều khác biệt trong tư duy sống, điều kiện gia đình hay vùng miền cũng như môi trường phát triển. Bù lại là Mai thấy rất vui vì mối quan hệ bạn bè của mình hiện tại, thân thiết vừa đủ để tôn trọng cuộc sống riêng của nhau cũng như đủ tử tế để sẵn lòng đưa tay ra giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn.

Tóm gọn lại rằng là đi du học cũng không thật sự là một giải pháp tốt nhất để có một tương lai sáng lạn. Vì có rất nhiều bạn bè của Mai ở Việt Nam đi học đại học hay cao đẳng nhưng với chuyên môn tốt và sự cầu tiến cầu toàn trong công việc, họ vẫn có đủ khả năng để chi trả cho cuộc sống cá nhân, thậm chí là dư dả để lo lắng chăm sóc cho gia đình. Nếu thật sự bạn không phải người quá chú trọng vào việc học hành hay lĩnh hội kiến thức chuyên sâu thì không cần thiết phải đi du học, đừng làm lãng phí tiền bạc và thời gian của gia đình và cá nhân để làm một điều không khả thi. Thật sự đi du học không chỉ cần tiền mà còn cần một bản lĩnh tốt nữa, đủ để bạn gặt hái kết quả học tập tốt cũng như kiến thức chuyên môn vững vàng để làm việc trong tương lai.
Đối với cá nhân Mai thì thời điểm nào tốt nhất để đi du học, thì Mai xin được trả lời là ngay sau khi học xong cấp 3, vì đi du học sớm sẽ giúp bạn làm quen với cuộc sống ở một đất nước mới sớm hơn. Việc đó sẽ phần nào giúp ích cho việc luyện tập khả năng ngôn ngữ, tiếp thu nền văn hóa mới cũng như là bản lĩnh mà bạn có thể phải dùng trong quá trình đi học cũng như xin việc trong tương lai. Nhưng nếu điều kiện chưa cho phép thì đi muộn một chút như Mai để học hai năm cuối đại học hoặc là đi học thạc sỹ, tiến sỹ, hoặc tu nghiệp, vì chuyện học là chuyện cả đời rồi và nếu bạn thật sự có đam mê với nó thì không bao giờ là quá muộn và quá già để theo đuổi.
Thật sự thì để nói về tất tần tật chuyện đi học đại học và cuộc sống của một du học sinh tại Vương Quốc Anh thì khó mà gọn ghẽ trong một bài viết được. Nên nếu bạn đọc có bất kỳ câu hỏi và thắc mắc về chủ đề và nội dung của bài viết này xin để lại comment bên dưới, để Mai có thể giúp bạn giải đáp dưới góc nhìn cá nhân của Mai, hoặc chúng ta có thể cùng trao đổi thêm thông tin để Mai và bạn biết thêm nhiều điều mới mẻ hay ho về chuyện học hành và đi du học nhé!
One response to “Nên đi du học hay học đại học ở Việt Nam?”
Hi bạn, mình thấy trên LinkedIn bạn có làm Marketing cho nhiều cty ở London. Bạn tìm job như thế nào vậy? Bạn viết bài chia sẻ kinh nghiệm được không? Mình có kinh nghiệm gần 3 năm làm Marketing ở VN, sang bên này trong thời gian học Master mình muốn tìm intern/part-time.
LikeLike