“Staycation”: a holiday that you take at home or near your home rather than travelling to another place.
Khái niệm Staycation đã không còn quá lạ lẫm trong những năm gần đây, sẽ có rất nhiều điều thú vị khi dành một dịp thảnh thơi để khám phá nơi tưởng chừng đã rất quen thuộc với ta rồi. Mỗi một lần về Saigon mình đều dành một ngày thật trọn vẹn để tận hưởng không khí và nhịp sống ở thành phố này cho thoả nỗi nhớ cả năm qua. Giống như rất nhiều người khác sinh ra và lớn lên ở Saigon, thành phố này luôn là nơi Mai yêu thương và dành tình cảm nhiều nhất, bởi vì nơi đây chứa đựng rất nhiều ký ức vui buồn về một thời niên thiếu.
Để bắt đầu một ngày mới ở Sài Gòn, giống như những ngày xưa cũ, mình quyết đinh là đi ăn phở. Tiệm phở mình chọn đó là Phở Hoà – địa chỉ ở 260C, đường Pasteur, phường 8, quận 3. Vị phở ở đây được nấu theo phong cách đặc trưng của phở miền Nam, bao gồm có các loại phở tái, nạm gân, gầu, giò, phở bò sách, phở gà, phở không thịt, phở bò viên, … Khách hàng tới ăn tại Phở Hoà có thể chọn kích cỡ của tô phở tuỳ theo sức ăn của bản thân, có 2 loại là tô lớn và nhỏ, giá lần lượt là 90,000 và 75,000 VND. So với mặt bằng chung các quán phở ở Sài Gòn, thì Phở Hoà có giá khá cao nhưng bù lại tô phở to, bánh phở nhiều, thịt bò tươi và ngon. Đây là lần đầu ăn ở Phở Hoà, mình đã gọi 2 tô cỡ vừa là: Phở tái thêm thịt tái và Phở tái thêm bò viên. Không hổ danh là một trong những quán phở Nam ngon nhất Sài Gòn, nước dùng của Phở Hoà có vị ngọt thanh và béo bởi những ống xương được ninh kỹ kèm các loại gia vị đặc trưng. Sợi bánh phở kiểu miền Nam được cán mỏng, hơi dai dai một chút so với bánh phở miền Bắc.
Khác với phở Bắc, Phở miền Nam dĩ nhiên không thể thiếu các loại rau thơm ăn kèm (như rau húng quế, ngò gai, rau ôm, …), giá trụng, chanh, ớt tươi, satế và tương đen – tương đỏ. Đặc biệt ở Phở Hoà, trên bàn còn có phục vụ thêm giò lá, quẩy mềm và chuối chín với giá thành khá hợp lý. Thức uống khi đi ăn ở Sài Gòn, đặc biệt là ăn những món nước, mà mình nhất định phải kêu đó là trà đá. Bên cạnh đó, menu đồ uống của Phở Hoà khá là phong phú với rất nhiều thức uống giải nhiệt phổ biến của Sài Gòn. Thật sự là lâu lắm rồi mình chưa uống chanh muối nên khi vừa nhìn thấy là phải kêu một ly liền, không uổng công mong chờ thì ly chanh muối của mình rất-rất là ngon, được pha hài hoà các vị chua – ngọt – mặn đặc trưng của chanh muối, uống kèm với đá lạnh thì không còn gì thoả mãn hơn trong cái tiết trời nóng bức của thành phố này.
Ngoài ra, các món khai vị ở đây cũng khá là phong phú với chả giò, gỏi cuốn, bánh cam, bánh bao,… Với những ai quen biết mình lâu ở UK thì sẽ thường xuyên thấy mình ngồi ăn gỏi cuốn hoặc cuốn gỏi để ăn, nên khi về Sài Gòn món mình không thể bỏ qua đó là gỏi cuốn tôm thịt.
Nói về các loại thức uống giải nhiệt đặc sắc ở Sài Gòn, không thể không kể tới dừa tắc và nước sâm. Trên đường Pasteur có 2 xe nước dừa, nhưng mình chọn uống ở số 246A, xe nước này khá lâu đời rồi, từ năm 1995. Nổi tiếng ở đây nhất là dừa tắc được chế biến khá đơn giản từ nước dừa tươi nguyên chất, một ít cùi dừa nạo, thêm đá và một muỗng mứt xí muội tắc (quất) bào sợi. Bên cạnh đó quán có bán thêm dừa thơm (giống như dừa tắc vậy, chỉ thay mứt tắc bằng mứt thơm). Nước sâm thì không phải diễn tả nhiều vì thức uống này đã rất phổ biến ở Sài Gòn từ rất lâu rồi. Nguyên liệu nấu nước sâm hay sử dụng là: gốc ngò, lá lẻ, lá thuốc đỏ dòi, la hán quả, mía lau, nhãn nhục, … Giá một ly dừa tắc là 12,000 VND, còn nước sâm chỉ có 8,000 VND, thật sự là rất rẻ cho một ly nước ngon lành mát mẻ như vầy. Xe dừa tắc này thường mở bán từ 10 giờ sáng cho tới tối khuya.
Buổi trưa mình có hẹn ở Miyama Cafe – quán cafe theo phong cách Nhật rất xinh xắn nằm ở lầu 3 của trung tâm thương mại Saigon Centre – 65 Lê Lợi, phường Bến Nghé, quận 1. Menu của quán rất phong phú với nhiều loại thức uống, các món ăn ngọt và mặn kiểu Nhật. Tuy không gian quán khá nhỏ, nhưng được bài trí hiện đại và tinh tế với những chậu cây xanh và khung cửa sổ to tạo cảm giác thư giãn và thoải mái ngay lần đầu mình ghé qua. Thật sự là bữa sáng trên đường Pasteur khiến mình no tới tận trưa, nên tới Miyama mình quyết định là chỉ gọi trà Nhật truyền thống và đồ ngọt thôi. Trong hình là bình trà Sencha – một loại trà lá phổ biến của Nhật, theo mình thì loại trà này khá dễ uống, nó có vị ngọt và chát nhẹ ở hậu vị. Ngoài ra, món tráng miệng mang tên “Hồ Con Rùa” của Miyama được khá nhiều người gợi ý cho mình. Giống như rất nhiều bạn trẻ sống tại Sài gòn thì Hồ con rùa là một bầu trời kỉ niệm vì ở đây nổi tiếng là bán đồ ăn vặt. Với mình thì nó gắn liền với khoảng thời gian học đại học ở IU, vì lúc nào học xong không biết làm gì sẽ đi xe 52 tới Hồ con rùa ăn bánh tráng hoặc Bánh khọt cô Ba Vũng Tàu với bạn nhỏ bạn thân. Còn Hồ Con Rùa của Miyama lại là một tuyệt phẩm khác bởi vì cách trình bày rất là bắt mắt và sự hài hoà của các nguyên liệu trên đĩa. Phần tráng miệng này bao gồm bánh trà xanh hình con rùa có nhân kem bên trong, phần mai rùa được phủ một lớp chocolate mỏng. Những viên đá trên đĩa thật ra là kem lạnh được bọc bởi chocolate trắng bên ngoài. Hai con cá bơi tung tăng kia được làm từ thạch, một con có vỏ quýt và một con có hoa anh đào làm nhân bên trong. Điểm xuyến thêm mấy loại hoa lá có thể ăn được xung quanh. Theo mình thì giá đồ ăn và thức uống tại Miyama Cafe khá cao, nhưng bù lại chất lượng xứng đáng với số tiền bỏ ra. Bạn có thể tham khảo menu của quán ở đây.
Có lẽ do từng cho thuê phòng trên Airbnb và thích khám phá những điều mới mẻ, nên mình rất là hứng thú với việc sử dụng ứng dụng này. Bạn bè mình có hỏi là đặt phòng Airbnb ở Sài Gòn có yên tâm không thì mình luôn trả lời rằng là Airbnb ở Sài Gòn những năm gần đây cool lắm đó. Chuyến về Sài Gòn cách đây một năm rưỡi, mình đă đặt một studio xinh xắn số 85A Nguyễn Cư Trinh, Quận 1 – đây là căn Airbnb đầu tiên mà mình trải nghiệm ở Sài Gòn. Căn phòng đó khá xinh với ban công hướng ra mặt đường Nguyễn Cư Trinh, trong phòng có sẵn những vật dụng cần thiết như ly, chén đũa, nồi chảo, … do có một căn nữa ở sát nhau nên phải dùng chung bếp ở bên ngoài. Lần nào lên trung tâm thành phố chơi mình cũng tranh thủ ních đầy một bụng đồ ăn và không có nhu cầu nấu nướng gì trong Airbnb nên cũng không biết có bất tiện gì không. Thường thì những căn Airbnb đầu tư vào thiết kế như thế này ngồi góc nào cũng có thể tự chụp hình xinh xắn mà không sợ bị làm phiền, bởi vì cả không gian đó chỉ là của riêng mình mình thôi.

Lần này mình lại chọn một căn khác ở số 222 Nguyễn Công Trứ, Quận 1. Căn này cũng được bài trí theo phong cách cổ điển của Sài Gòn xưa. Giá có cao hơn một chút so với căn trước nhưng ưu điểm là không gian ở đây rộng rãi và yên tĩnh hơn dù cũng nằm ngay mặt đường, bên cạnh đó bên trong còn có 1 cái giếng trời to tạo cảm giác mát mẻ thoáng đãng cho căn nhà. Một điểm cộng nữa là căn nhà này khá là tiện nghi với chiếc Smart TV 49 inches to bự trong phòng khách được kết nối Apple TV và Chromecast để phục vụ giải trí cho khách khi ở tại đây. Các bạn chủ của căn Airbnb này còn có 5 căn nhà khác cũng cho thuê trên Airbnb rất là xinh. Mình chọn căn này tại vì nó vừa đủ với nhu cầu sử dụng chứ mấy căn còn lại to quá trải nghiệm không hết cũng uổng, nên nếu nhóm bạn nào có nhu cầu ở trong trung tâm quận 1 thì có thể tham khảo đặt chung và chia tiền ra cũng hợp lý đó. Nếu bạn nào chưa có tài khoản Airbnb thì có thể đăng ký qua liên kết này để được giảm giá khi đặt phòng trên Airbnb nhé (Theo như trên website thì đây là ưu đãi dành cho người đăng ký tài khoản bằng link mời của bạn bè “£25 off a home booking of £55 or more and £9 off an experience of £36 or more” [£1 bằng khoảng 30,000 VND])
Sau nửa ngày ngồi chơi ở Airbnb thì tối bạn mình qua chở đi ăn Bún đậu Homemade ở số 01 Nguyễn Văn Tráng, Phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1. Tuy Bún đậu mắm tôm là món ăn đặc trưng ở ngoài Bắc, nhưng từ khi du nhập vào Sài Gòn thì sức hút của nó chưa bao giờ hạ nhiệt cả. Ngoài bún đậu mắm tôm, thì quán ăn này còn phục vụ nhiều món đặc trưng của người Hà Nội như: chả cốm, bún giả cầy, ốc nhồi thịt, bún ốc chuối đậu, mắm tép chưng thịt ba chỉ, nem chua rán, lòng rán … (menu chi tiết xem ở đây). Theo mình thì ngoài menu phong phú ra thì món ăn ở đây được phục vụ khá nhanh, ngon, sạch sẽ và chất lượng. Đặc biệt là mình rất thích đậu hũ ở đây do đậu luôn được chiên nóng giòn bên ngoài, nhưng bên trong vẫn giữ được độ mềm thơm béo đặc trưng của đậu nhà làm. Bên cạnh đó nước sấu của quán là thức uống mình chưa bao giờ bỏ qua khi ghé ăn ở đây, còn gì tuyệt vời hơn là nhâm nhi bún đậu mắm tôm với nước sấu pha chua ngọt mát lạnh chứ! Sau khi ăn thì nhân viên sẽ cho khách hàng 1 cây ốc quế để ăn kem tươi, máy kem được đặt ở cửa ra vào nên trước khi về mọi người có thể tự lấy kem ở đó.
Duyên phận đưa đẩy tới Drinking & Healing là do hôm đầu năm mình có coi một show phỏng vẫn Tiên Tiên trên Youtube tại quán bar này. Quán khá nhỏ nhắn nằm trên tầng 2 của một toà nhà cũ, số 25 đường Hồ Tùng Mậu quận 1 (gần toà nhà Bitexco). Thiệt sự là hồi xưa nghe nói đi bar ở Sài Gòn nào là tệ nạn với lại cũng chưa có đủ tuổi nên cũng không quan tâm lắm. Nhưng mà coi xong show của Tiên Tiên mình liền đặt Drinking & Healing Bar vào danh sách phải ghé chơi khi về lại Sài Gòn, tại phong cách của quán này cool quá mà. Do mình không phải người đam mê âm nhạc và tăm tia giai xinh gái đẹp nên cũng không để ý không khí xung quanh lắm, chung chung thì không ồn ào xô bồ, vừa vô là nhất định xí ngay chỗ ở quầy bar chỉ để xem bartender pha chế đồ uống thôi. Mình đi với chị bạn ở London hồi xưa, hai chị em vô uống nước tâm sự nên ngồi ở quầy bar là khá hợp lý, vừa đủ yên tĩnh và riêng tư để nói chuyện. Tụi mình có order 2 loại cocktail signature của quán là Anise Sour và Pandan Farm (cái này thì Mai hem nhớ lắm, search trên web của quán nhìn hình cũng hem có giống). Hai loại uống đều ngon một ly có vị ngọt và một ly vị chua nhẹ. Lần sau có dịp ghé qua lúc rảnh rỗi thì mình sẽ thử thêm các loại khác, tết nhất ai cũng bận rộn nên chỉ có nhiêu đây thôi.
Nhìn chung là một ngày của mình ở Sài Gòn là chỉ có ăn và chơi thôi, nhưng lần nào cũng biết thêm nhiều chỗ thú vị và hay ho. Sài Gòn thiệt sự là còn nhiều thứ khác nữa, mình hẹn sẽ chia sẻ thêm trong chiếc bài sau nhé.