Mặc dù lúc bài viết này được đăng lên thì mùa thu cũng vừa bước qua rồi, nhưng mình vẫn muốn giữ chiếc đề tựa diễm tình này như đúng với tinh thần lúc đầu mình định viết. Bài viết này là một chút tâm tình cá nhân xen lẫn với cảm xúc về cuốn sách về chủ đề “tình yêu” mà mình đã đọc dạo gần đây.
Vốn dĩ sách “self-help” không phải thể loại mình thường đọc, đôi lúc mua chỉ đơn thuần vì thiết kế bìa đẹp hoặc vì tựa đề hay. Và, cuốn “Being In Love” là một trong số nhiều những cuốn sách ban đầu mình quyết định mua vì thích thiết kế của bìa sách, và chính mình cũng bất ngờ với nội dung bên trong tới mức quyết định đọc hết để còn viết blog review sách. Cuốn sách này được dịch ra tiếng Việt với tựa đề là “Yêu – Yêu trong tỉnh thức. Gắn bó trong niềm tin“, viết bởi Osho – một nhà huyền môn người Ấn Độ sống trong thế kỷ hai mươi.
Ngay phần lời giới thiệu, tác giả Osho đã bắt đầu cuốn sách này với câu hỏi “Tình yêu là gì?“. Với mình, tình yêu là một danh từ ghép có hai chữ ngắn ngủi nhưng lại mang rất nhiều ý nghĩa đối với từng cá nhân mỗi người, và muôn hình vạn trạng. Ví như tình yêu giữa các cá nhân trong gia đình sẽ mang những cảm xúc khác với tình yêu của đôi lứa. Tình yêu đến bên ta từ khi còn là một hạt mầm nhỏ trong tử cung của mẹ, và theo chúng ta trong suốt hành trình cuộc đời này. Tình yêu, nói chung, tựa cơm ăn thức uống mỗi ngày, là tứ chi ngũ quan trên cơ thể của chúng ta, và cũng giống như cái cây ngọn cỏ trên hành tinh này.
Tình yêu là một bông hoa mong manh. Nó cần được bảo vệ, được chăm bón; chỉ có như vậy nó mới trở nên mạnh mẽ
…
Tình yêu chỉ có thể trưởng thành trong tình yêu. Tình yêu cần có một môi trường yêu thương để nảy nở – đó là nền tảng cơ bản nhất cần phải ghi nhớ. Chỉ ở trong môi trường yêu thương thì tình yêu mới phát triển; nó cần nhịp đập, sự rung động tương tự xung quanh.
Vì khoác lên những hình dáng khác nhau, không tồn tại như một hiện tượng hữu hình, cho tới ngày nay tình yêu chưa có lấy một định nghĩa chính xác và rõ ràng. Tạo ra tình yêu, sống cùng với tình yêu, nuôi dưỡng tình yêu, … vì chỉ có trải nghiệm, chúng ta mới biết tình yêu là gì.
Cá nhân của mình nghĩ, tác giả Osho có lẽ không viết cuốn sách này để mục đích chỉ dạy cho con người chúng ta tình yêu là gì. Trong Being In Love, Osho có vai trò là một nhà hiền triết, người trị liệu tâm lý, và cũng vừa là ông bạn lớn tuổi lý giải những vấn đề và cảm xúc mà con người thường trải qua trong hành trình trải nghiệm tình yêu. Tình yêu là một chức năng cảm xúc tự nhiên, không ai là không có khả năng yêu thương, và cũng không ai là không xứng đáng để được yêu thương. Bởi vì tình yêu là tự nhiên, không phải là một đích đến mà con người cần phải đạt được trong đời, cũng không phải là một bộ môn triết học mà con người cần phải học. Xuyên suốt 3 phần và 13 chương sách, Osho mong muốn người đọc hiểu rằng tình yêu là điều cần được phát triển, và để nuôi dưỡng tình yêu thì phải loại bỏ những yếu tố đánh mất tình yêu.
Hãy trở thành những cá thể độc lập, đó là việc đầu tiên.
Việc thứ hai là đừng kỳ vọng sự hoàn hảo và đừng yêu sách, đòi hỏi. Hãy yêu những người bình thường. Không có gì sai với những người bình thường. Mỗi con người đều là một cá thể độc nhất; hãy tôn trọng tính độc đáo đó.
Thứ ba là hãy cho đi, cho đi một cách vô điều kiện, khi đó bạn sẽ biết tình yêu là gì.
Mình hiểu vì sao Osho lại đặt sự độc lập là điều đầu tiên cần làm trong hành trình trải nghiệm tình yêu. Bởi bản thân của Mai, cho tới khi bước ra khỏi vòng tay bảo bọc của cha mẹ và trở nên độc lập, mới nhận ra được tình yêu là gì và mang ý nghĩa như thế nào đối với chính mình.
Một đứa trẻ được nuôi dưỡng trong sự bảo bọc của gia đình sẽ hình thành một cái tôi lớn, và nó sẽ không phân biệt được ý nghĩa của tình yêu từ gia đình. Vì vậy, đứa trẻ với cái tôi lớn ấy cần bước ra thế giới bên ngoài, cần va chạm với vô số vấn đề và cả sự vô cảm của mọi người xung quanh, bởi vì chẳng có ai quan tâm đến nó như cha mẹ cả. Ở bên ngoài thế giới, giữa hàng triệu cái tôi khác vây quanh, mọi người đều tìm cách kiểm soát, lên kế hoạch và chi phối bằng của cải, quyền lực, kiến thức, sức mạnh, với những lời nói dối, những yêu sách và cả thói đạo đức giả. Đứa trẻ ấy sẽ nhận ra sự cần thiết và ý nghĩa của tình yêu từ gia đình, vì chúng cần có tình yêu ấy để cảm thấy không sợ hãi, để biết rằng nó được chấp nhận, rằng nó không vô dụng và không bị vứt bỏ.
Lần đầu tiên, bạn không còn thuộc về đám đông, bạn có cá tính độc lập của riêng mình. Bạn được là chính mình. Đây chính là sự trưởng thành, chính là những gì một người trưởng thành cần có.
Người trưởng thành là người không cần ai để neo bám hoặc dựa dẫm. Người trưởng thành là người hạnh phúc trong chính sự cô độc của mình – sự cô độc của người đó là một ca khúc, là một sự ăn mừng. Người trưởng thành là người có thể tự mình hạnh phúc. Sự cô độc của người đó không phải là sự đơn độc, sự cô độc của người đó là tĩnh lặng, là thiền.
Chính cái tôi sẽ thôi thúc mọi đứa trẻ rời khỏi gia đình, khỏi sự bảo bọc của cha mẹ để khẳng định chính kiến, tiếng nói riêng và sự độc lập của đứa trẻ đó. Bởi vì cái tôi sinh ra để bảo vệ sự khác biệt của mỗi cá thể, nhưng cái tôi không cho phép chúng ta yêu thương. Vì bản chất của cái tôi chỉ muốn được nhận về hơn là cho đi; trong khi, tình yêu chỉ xảy ra khi chúng ta biết dâng nộp. Trên hành trình trở nên độc lập đó, đứa trẻ sẽ phải buông bỏ cái tôi để yêu thương, và khi cái tôi rời đi để lộ ra đấy là yếu đuối, là lệ thuộc vào người khác. Không còn cái tôi, đứa trẻ nhận ra rằng nó không phải là trung tâm của vũ trụ, và mọi cá thể sống đều phải liên kết với nhau để tồn tại. Không ai là độc nhất và quan trọng nhất.
Đứa trẻ cần tình yêu, không cần sự giúp đỡ của bạn. Đứa trẻ cần dưỡng chất, cần sự ủng hộ, không phải sự giúp đỡ của bạn. Không ai biết được tiềm năng của đứa trẻ, do đó không có cách nào đúng để giúp nó đạt được tiềm năng bẩm sinh của mình
Cách đúng đắn là không giúp gì cả. Nếu bạn thật sự có can đảm, đừng giúp gì cả. Hãy yêu thương nó, nuôi dưỡng nó. Hãy để đứa trẻ làm những gì nó muốn làm. Hãy để đứa trẻ đến nơi nó muốn đến.
Do đó, nếu là cha mẹ, bạn cần phải thật can đảm – không can thiệp. Hãy mở những cánh cửa hướng vào nơi vô định để đứa trẻ có thể khám phá. Đứa trẻ không biết mình sở hữu gì bên trong, không ai biết được. Đứa trẻ phải dò dẫm trong bóng tối. Đừng khiến nó sợ bóng tối, đừng khiến nó sợ thất bại, đừng khiến nó sợ những điều chưa biết. Hãy ủng hộ nó. Khi đứa trẻ sắp bước vào hành trình vô định, hãy hết mình ủng hộ nó, yêu thương nó, chúc phúc cho nó. Đừng để đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi nỗi sợ của bạn.
Bạn có thể có nỗi sợ nhưng hãy giữ chúng cho riêng mình. Đừng đặt những nỗi sợ này lên đứa trẻ, bởi vì đó chính là can thiệp
Khác với tình yêu gia đình đã ở sẵn đó từ khi chúng ta còn là những mầm sống nhỏ nhoi, tình yêu đôi lứa đến bên ta trong giai đoạn chuyển giao giữa một thiếu niên và một người trưởng thành. Tình yêu đó là áng mây hồng của những ngày hẹn hò đầu tiên, tựa như cơn mưa rào làm xanh mát khu vườn mùa hạ, và đôi lúc là bầu trời xám nghịt của những ngày bão giông.
Tình yêu đôi lứa khởi nguồn bằng phải lòng. Mình đồng ý với quan điểm mà tác giả Osho đưa ra là không có cách thức, phương pháp hay kỹ thuật để chúng ta phải lòng một ai đó. Bởi vì khi phải lòng, ta không còn nắm quyền kiểm soát nữa, chỉ đơn giản là “rơi vào tình yêu“. Tình yêu đến bên chúng ta tự nhiên như cơn gió mát lành thổi tới, như bông hoa nở xinh đẹp trong căn nhà, lấp đầy không gian của bạn bằng hương thơm, sức sống và tươi mới. Có một câu trong bài rap của anh Đen Vâu khiến mình nhớ mãi – “Vì một ngày còn sống là một ngày đắm say. Ngày đẹp trời nhất, là ngày mình còn nắm tay”, vì chỉ khi được đắm say trong tình yêu, tay trong tay cùng người mình yêu thương, thì ngày đó chính là ngày đẹp trời nhất.
Nhưng cơn gió hay cánh hoa đều là những thứ mỏng manh, chúng ta chẳng thể ép nó mãi bên mình bởi vì vạn vật trong cuộc sống đều có vòng đời của nó.
Tình yêu có khả năng sẽ trở thành mối quan hệ trọn đời, nhưng hãy nhớ rằng nó không bất biến. Tình yêu sẽ có những thăng trầm, sẽ có những thay đổi.
Tình yêu sẽ không ngừng thay đổi, và đôi khi tình yêu cần có cơ hội để thay đổi.
Từ “love“, xuất phát từ chữ “lobh” trong tiếng Sanskrit có nghĩa là là lòng tham. Tình yêu vốn là cảm xúc tự nhiên, nhưng tình yêu đôi lúc khó tránh khỏi tham lam và vị kỷ, xuất phát từ mong muốn giành quyền kiểm soát trong mối quan hệ. Vào một thời điểm của năm thứ tư, khi còn trong mối quan hệ yêu đương, mình nhận ra rằng một mối quan hệ lành mạnh chỉ có thể bung nở khi không có cái tôi, không có nỗ lực giành quyền kiểm soát, và biết khiêm nhường. Qua vô số những cuộc tranh cãi, những vụn vỡ và cả hàn gắn, mình mới thật sự hiểu rằng một mối quan hệ yêu đương lành mạnh ngoài những cảm xúc và thu hút đặc biệt mà hai người dành cho nhau, thì cần có rất nhiều sự tôn trọng và khiêm nhường.
Sau quãng thời gian “tự nhiên rơi vào cái lưới tình”, nếu tiếp tục yêu thương, chúng ta sẽ nhận ra tình yêu đi sâu hơn và trở thành cảm xúc thân mật. Khi hai người cùng nhau trưởng thành trong sự thân mật này, và tình yêu không chỉ là phấn khích và cuồng nhiệt nữa, thay vào đó niềm vui sẽ xuất hiện. Tình yêu lúc này mang hình hài duyên dáng và tinh tế hơn, không ồn ào và phấn khích nữa, chỉ có sự tĩnh lặng, không ngôn từ, không nỗ lực để cố thể hiện bất cứ điều gì. Hai người, chỉ cần ở cạnh nhau, chia sẻ một không gian, một bản thể, không phải nghĩ về những điều phải làm, phải nói, những nơi phải đi, cũng như cách tận hưởng tất cả những thứ phù phiếm đều biến mất. Tình yêu, vì nhờ có tôn trọng – khiêm nhường – lòng trắc ẩn, sẽ xoá đi những bất đồng và vị kỷ.
Tình yêu thật sự không cần bạn phải làm gì cả, mọi thứ sẽ tự nhiên diễn ra từ chính sự duyên dáng, tĩnh lặng và nhịp điệu – bắt nguồn từ sâu trong tâm hồn của mỗi cá nhân.
Chỉ tình yêu thôi chưa đủ. Tình yêu nếu đứng một mình là mù quáng.
Bởi vì sự muôn hình vạn trạng của tình yêu, nên sẽ thật khó để một cô gái non nớt như mình có thể nói về tình yêu một cách thành thục. Nên nếu bạn đã kiên nhẫn theo dõi bài viết của mình tới đây, thì mình rất khuyến khích bạn tìm đọc sâu hơn về cuốn sách “Being In Love” của Osho.
Với 13 chương sách, Osho chỉ ra những dấu hiệu của một tình yêu đích thực, gồm có: Sự cho đi và không chờ đợi được nhận lại, sự trưởng thành cá nhân, và trạng thái tỉnh thức khi yêu. Mình hy vọng rằng cuốn sách này sẽ giúp bạn tìm ra được câu trả lời cho những khúc mắc trong tình yêu, hoặc có chăng là động lực để yêu thương nhiều hơn, không chỉ là tình yêu đôi lứa hay gia đình, mà còn là tình yêu giữa con người & con người.

Vẫn như thường lệ của những bài viết gần đây, mình sẽ dành tặng bạn đọc một số bài hát của các nghệ sĩ trẻ Việt Nam. Những ca khúc được đăng trên trang blog của mình đều được trả tiền bản quyền, là một món quà cám ơn bạn vì đã đọc tới cuối bài viết của mình. Chủ đề bài viết này là tình yêu, nên thay vì chỉ có 1 thì sẽ là 4 bài hát trong EP LAVIE của bạn nghệ sĩ trẻ Wean Le viết về tình yêu mà mình rất thích. Chill out and enjoy the music! 😉