Nếu bạn theo dõi trang blog này đủ lâu, chắc hẳn đã quen thuộc với những câu chuyện trải nghiệm du học Anh của Mai rồi nhỉ :’). Về Việt Nam cũng ngót nghét gần một năm, chính bản thân cũng ngỡ cuộc đời du học sinh đã qua rồi, vậy mà giờ đây mình đang trong vai một người Sài Gòn sống ở Hà Nội hơn nửa năm nay, còn có thêm một biệt danh mới là Du-học-sinh-Hà-nội.
Trong một cuốn sách về sáng tạo mà Mai đã đọc gần đây, có một đoạn mình thấy khá thích và xin được trích lại:
Vào một thời điểm nào đó, khi có thể, bạn phải rời khỏi nhà. Bạn luôn có thể quay lại, nhưng bạn phải rời khỏi nhà ít nhất một lần.
Dịch chuyển khiến thế giới trở nên khác lạ, và khi thế giới trông mới mẻ hơn, não bộ sẽ hoạt động nhiều hơn.
trích từ cuốn sách “Nghệ thuật đánh cắp ý tưởng” của tác giả Austin Kleon
Ngày đó, mình định bụng chỉ đi Hà Nội đâu đó ba tới bốn tuần thôi, để tập trung làm dự án cũng như thăm ông bà ngoại ở quê. Vậy mà giờ đây, đang ngồi viết những dòng này và hít hà hương hoa sữa nồng nàn đặc sản mùa thu Hà Nội, trong lòng chưa biết khi nào mới về Sài Gòn để đoàn tụ cùng gia đình.
Vì đời đưa đẩy, nên mình cũng xin được đẩy đưa một bài viết kỉ niệm hành trình đi “du-học-Hà-Nội” của một tấm chiếu mới tới từ Sài Gòn.
Một Hà Nội không đáng sợ như mọi người vẫn doạ
Mặc dù ba mẹ mình vốn sinh ra và lớn lên ở vùng quê phía Bắc, sau này Nam tiến và lập gia đình ở Sài Gòn, còn mình sinh ra và lớn lên trong sự vô tư và hào sảng của người con phương Nam. Tự nhận là một tấm chiếu mới chưa từng trải, vì dù đã sống ở Tây, đi làm cho Tây, thì mình vẫn xa lạ với nếp sống lanh lẹ và khôn ngoan của người miền Bắc.
Mình đã luôn dè chừng với tất cả những người Bắc mà mình gặp trong đời, vì những lời định kiến từng được nghe khi còn bé. Ấy mà, trộm vía, đợt này ra ở Hà Nội sống vài tháng, mình thích Hà Nội hơi nhiều. Vì những người mà mình gặp hầu hết đều dễ thương, hoặc là mọi người thấy thương cái thân gái tha phương này nên mới dễ thương với mình chăng (?!).
Dù là nằm cùng một vùng lãnh thổ, nhưng Sài Gòn và Hà Nội giống như hai quốc gia khác nhau vậy.
Thời gian mình ở Hà Nội đếm thì thấy nhiều đấy, nhưng đâu đó mất vài tháng tránh dịch ở trong nhà rồi, nên chưa hẳn những điều mình cảm nhận và nhìn thấy đã khách quan.
Người Sài Gòn hào sảng và niềm nở, nhưng vẫn luôn có một khoảng không nhất định dành cho nhau, đó có thể là một sự thờ ơ hoặc là một niềm tôn trọng không gian riêng tư của mỗi cá nhân. Trái lại ở Hà Nội, hầu như mọi người đều biết nhau, hoặc chí ít sẽ là một liên kết xã hội nào đó, nhờ vào văn hoá sống phường xã cộng đồng được hình thành từ rất lâu.
Nên khi cần reference check, thì ở Hà Nội chỉ cần một tin nhắn hay một cuộc điện thoại thôi là chỉ nửa ngày đã nhận được hồi âm đầy đủ và cặn kẽ từ ai đó trong vòng tròn xã hội xung quanh bạn rồi. Có thể với nhiều người không quen, sẽ coi đây là thói “ngồi lê đôi mách”. Nhưng khi mình tiếp xúc và nhìn nhận nét văn hoá này ở một khía cạnh tích cực hơn, thì nó xuất phát từ sự quan tâm lẫn nhau trong một cộng đồng, và ở trường hợp của mình thì mọi người đã giúp cho ‘tấm chiếu mới’ này tránh được nhiều những phiền toái trong cuộc sống.
Không nhất thiết phải đi ra nước ngoài mới cần não để chuyển đổi ngôn ngữ và trải nghiệm “sốc văn hoá”, vì giữa Hà Nội và Sài Gòn đã có phương ngữ và lối văn hoá khác nhau khá nhiều rồi.
Dù nhà mình vốn gốc Bắc, nhưng vì mấy đứa con sinh ra và đi học ở trong Nam hết, nên từ lâu ba mẹ của mình đã quen việc sử dụng từ ngữ miền Nam trong gia đình rồi. Ví như, mình từ lúc bé đã gọi “Ba” thay vì “Bố“, quen dùng “chén ăn cơm” thay cho “bát ăn cơm“, “cái muỗng” chứ không phải “cái thìa“, “nĩa” chứa không phải “cái dĩa“, và “cái dĩa” thì khác hoàn toàn với “cái đĩa“. Đấy là còn chưa kể tới các cụm từ như: “ly” – “cốc” – “chén“, “củ sắn” – “củ đậu” – “củ mì“, …
Và cũng không ít lần mình đi mua hàng bị mấy anh/chị bán hàng nhận xét là “Sao giọng em nói khó nghe vậy” – cảm giác lúc đó hệt như khi đi ra nước ngoài mà bị bắt lỗi phát âm không đúng vậy.
Dù ở Sài Gòn có mật độ dân cư đông đúc hơn Hà Nội khá nhiều, nhưng hoạt động giao thông ở Sài Gòn nhìn chung là nghiêm túc và trật tự hơn Hà Nội. Hoặc có thể là ở Sài Gòn, có nhiều gia đình giống như nhà mình, chỉ cần thấy con cái dắt xe chuẩn bị chạy ra đường là sẽ bắn ngay một bài diễn văn “An toàn giao thông”, bao gồm các đề mục: chạy xe đúng tốc độ, chạy đúng làn đường, sang đường quẹo hẻm nhớ bật đèn xi-nhan, bật xi-nhan rồi xong phải nhớ tắt, chạy xe phải nhìn hai bên gương chiếu hậu, phải đội mũ bảo hiểm cái loại mà chắn chắn và an toàn, vân vân và mây mây …
Giống với Sài Gòn, người Hà Nội cũng rất thích ngồi cà phê. Điều đặc biệt là Hà Nội có rất nhiều quán cà phê local brand ngon, xinh và có gu. Chỉ cần đi lang thang trên đường thôi thì kiểu gì cũng sẽ bắt gặp một quán xinh xinh nào đó có khoảng sân và hàng ghế ngồi trước cửa.
Trong tuổi thơ của mình, thì chỉ có sáng dậy sớm thì mới được đi ăn phở thôi. Một tô phở hoàn chỉnh là phải có thịt tái, bò viên, có giá trụng, rau thơm các thể loại, kèm theo nào là tương ớt tương đen hầm bà lằng trong tô.
Tuy nhiên, sống ở Hà Nội, ăn phở Hà Nội, dường như mở ra một chân trời ẩm thực mới trong mình vậy. Dù cho sáng sớm hay đêm muộn, thì vẫn có thể tận hưởng một bát phở Hà Nội trong niềm hân hoan. Sợi bánh phở tươi được trần chín tới nên không bị cứng hay mềm oặt, nước phở thanh thanh, thêm chút dấm tỏi chua ngọt, tương ớt gia truyền chuẩn nhà làm, kèm theo phần quẩy giòn nữa là tới công chiện luôn!!! Dù đã ăn qua đầy đủ các loại phở bò tái, phở tái lăn, và phở gà, phở trộn, phở cuốn, phở chiên phồng, thì với mình Phở Nguyệt – số 5B Phủ Doãn luôn là chân ái, là lẽ sống ở Hà Nội.
Ngoài phở ra, thì các món bún, miến nước khác ở Hà Nội đều rất ngon, chẳng hạn như: bún riêu, bún thang, bún ốc, bún măng vịt, … nhưng đặc sắc nhất vẫn là món bún đậu mắm tôm cho em thêm cốc nước sấu ạ.
Ở Hà Nội thích thì cho thôi, không nhận vẫn phải nhận, lần sau lại mang sang cho tiếp. Đợt dịch này mình ở Hà Nội cùng chị Vân Anh, vốn người chị đã tính chu đáo chuẩn bị đủ mọi thứ rồi. Vậy mà cứ dăm bữa là cả nhà phải ăn cố đĩa rau to oạch mà bác hàng xóm trồng rồi hái mang sang cho. Hoặc có anh shipper hay đi giao trà cho mình một hôm 8h30 sáng đã gọi điện để cho một quả bưởi nhà anh trồng ở quê mới mang ra Hà Nội. Ấy nên, không chỉ có người Sài Gòn mới hào sảng đâu, mà người ở Hà Nội cũng đôi khi mộc mạc và tình cảm lắm.
Sau đây là những khung hình của Hà Nội mà mình đã chụp trong thời gian sống ở đây.





































4 responses to “Sài Gòn ở Hà Nội”
Mình là một người ngoài Bắc, sống ở Hà Nội 7 năm và giờ đang làm việc ở Đà Nẵng khi đọc bài này của bạn thấy nhớ Hà Nội quá :))) nhất là vào lúc này khi khí trời đang là mùa thu với mùi hoa sữa đặc trưng khắp nơi. Mong bạn có nhiều trải nghiệm hơn nữa ở Hà Nội, ngày càng yêu quý nó và lan tỏa tới mọi người nha. Vì hình như có nhiều người miền Nam thấy Hà Nội đáng sợ quá :)))
LikeLiked by 1 person
Hehe cám ơn bạn. Mình ít khi dám ra Bắc vì lúc bé hay bị mọi người hù dọa nhiều lắm. Đợt này đi làm việc rồi vô tình bị kẹt lại “hơi lâu” ở Hà Nội, trộm vía, mình cũng may mắn được mọi người yêu thương và giúp đỡ nên mới thấy được một Hà Nội gần gũi và đáng yêu hơn bao giờ hết 🥰
LikeLiked by 1 person
Nhìn muốn ra ngoài cafe quá bạn ;). Sáng hôm nay thời tiết cũng rất đẹp để ra ngoài.
LikeLiked by 1 person
Hehe đúng rùi. Hôm qua mình cũng đã phải ra hồ ngồi để ko phải lãng phí một ngày thu đẹp ở Hà Nội 😆
LikeLiked by 1 person