một chiếc blog dành cho tiệm trà mình yêu thích nhất tại Saigon,
bởì mình luôn có một niềm tin rằng, những thứ tự nhiên sẽ kết nối con người lại với nhau theo những cách tự nhiên.






Trước khi trở thành khách uống trà tại Lạc Teahouse, mình là khách mua trà của ‘Cửa tiệm của Lạc‘, người yêu thích quyển thơ ‘Cơm nhà nói chung là êm‘ của nhà thơ Nhược Lạc. Sau nhiều năm theo dõi, cuối cùng thì cũng biết tin chị Lạc mở quán trà để mình có thể tới tận nơi uống trà, và hỏi chị về những loại trà mà chị chọn bán tại cửa tiệm.
Cũng vài năm tiếp xúc với trà và làm việc cho một thương hiệu trà tại London, mình cũng xin tự nhận bản thân là một người uống trà hơi khó tính, và luôn tìm mua những loại trà truyền thống, sấy mộc và chất lượng. Vậy nên khi trở về Việt Nam sau khoảng thời gian dài uống trà Tây, mình vẫn luôn cố gắng nhiều nhất có thể trong việc trải nghiệm các loại trà sản xuất tại Việt Nam nói riêng và từ các vùng của Châu Á nói chung. Trước nhất là để bồi đắp cảm quan của mình về hương – vị của các loại trà khác nhau, sau là học hỏi từ những chuyên gia về trà cách họ tạo ra những vị trà mang hương-vị độc đáo.
Lạc Teahouse toạ lạc ở địa chỉ: chung cư số 6A, đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, Sài Gòn – một địa điểm mà hẳn phải tới hơn một nửa số khách lần đầu tới tiệm đều bị đi lạc, thế nên ở trên Facebook hay Messager của Lạc Teahouse mới pin sẵn một bài đăng chỉ đường cho khách ghé tiệm.


Bề ngoài của tiệm được bày trí đơn giản, có cây chùm ngây xoè tán xanh mướt trước cửa và mấy chậu cây hoa nhài nhỏ, trên khung cửa sắt sơn màu trắng kem treo tấm biển nâu khắc tên – Lạc Tea House. Bước vào bên trong tiệm, bên trái là mấy bộ bàn ghế gỗ nâu trông rất bình dân kiểu hàng trà đá ở ngoài Hà Nội, nhưng ở đây được bày trí gọn ghẽ và thanh lịch hơn. Còn phía tay phải ngay thẳng cửa đi vào là một kệ đựng hộp trà kế đó có một quầy bar, trên quầy thường bày một bình hoa cắm đơn giản, đằng sau quầy là kệ gỗ để các loại ấm bình dùng để pha trà. Mọi thứ tại đây dường như đều tuân theo một trật tự nhất định. Cách bày trí khiến mình đoán chừng tính cách và lối sống của anh chị chủ quán cũng đơn giản, gọn gàng, mộc mạc rất đỗi Việt Nam nhưng đâu đó mang hơi hướng văn hoá Nhật Bản.





lá trà sống chuỗi ngày tung tăng
trước khi hiến mạch tươi vào lửa ấm
trước khi siết buồn vui vào trầm lắng
đợi nhân gian thức giấc mộng dài…
cánh lá mềm như một khúc thiên di
trích bài thơ “Uống trà cùng nhau” – tác giả Nhược Lạc
nốt hương chớm thoát đầu môi rồi lắng
vị hoa trái óng mềm nơi cuối họng
làn khói thơm quyến luyến đến tận cùng
Kể về các loại trà mình từng uống của tiệm và thích nhất, đứng đầu danh sách chính là Bạch Trà Hoa Mộc. Đơn giản như chính cái tên mà ông bà chủ đã đặt cho nó. Trà này dùng bạch trà (trà trắng) vụ xuân phối với quế hoa, vậy nên trà chiết xuất ra thứ nước có màu vàng rất nhạt và thanh trong tựa như một chén sương sớm mùa xuân trên vùng núi cao. Nhấp một ngụm của tuần trà đầu tiên, cảm nhận đầu tiên là hương hoa mùa xuân, theo sau đó là hậu vị ngọt thanh nhẹ nhàng đặc trưng của bạch trà. Một thức trà rất êm, thanh, nhưng hương thơm của nó làm ta cứ lưu luyến mãi. Ở tuần nước thứ hai, lớp biểu bì của những lá trà non tơ kia trở nên mềm hơn, phần hương vị nằm sâu bên trong lá trà được thoát ra dễ dàng hơn, nước trà có màu vàng rõ sắc và hương-vị của trà cũng đậm đà hơn.
Nếu so với trà Sương – bạch trà cổ thụ trăm tuổi vùng trà Hà Giang của tiệm, cũng là vị ngọt mát trong veo tựa sương sớm đấy, nhưng không làm mình thấy ấn tượng bằng Bạch Trà Hoa Mộc – có lẽ do được thêm vào hương thơm quyến rũ của quế hoa, loại thảo mộc mệnh danh “cửu lý hương” (nghĩa là: đi chín dặm vẫn còn thơm hương). Bạch Trà Hoa Mộc, theo cá nhân mình, vừa hợp để thưởng thức lúc sáng tinh mơ khi vừa tỉnh giấc, và cũng rất đỗi vừa vặn cho một buổi chiều có nắng buông vàng bên thềm nhà, nhâm nhi với vài viên thạch rau câu thanh mát hoặc bát tào phớ hoa nhài có vài viên đá lạnh.



Loại trà thứ hai mà mình thích ở tiệm đó là trà Đông Phương Mỹ Nhân (Oriental Beauty), hay còn có cái tên gốc là trà Bành Phong hoặc Bạch hào Ô long. Nếu bạn đã từng nghe qua Podcast Have A Sip tập số 94 phỏng vấn chị Nhược Lạc thì hẳn đã biết câu chuyện về loại trà này. Trà Đông phương mỹ nhân (Oriental Beauty) là một danh trà Đài Loan, thuộc dòng trà bán lên men với mức độ lên men cao (khoảng 60%-80%). Lá trà sau khi được sao chế tinh bởi nghệ nhân trà, cho ra những lá khô có màu sắc phong phú như xanh, đỏ, vàng, nâu. Vốn đã rất yêu thích các loại trà oolong bởi hương vị tinh tế của dòng trà này, Đông Phương Mỹ Nhân chinh phục mình bằng thứ nước trà có màu hổ phách với vị trà đậm đà và ngọt dịu. Sau khi nước trà đã trôi qua thực quản, hương vị của trà vẫn lưu lại trong khoang miệng, mang hương thơm phảng phất hoa và quả chín – một thức trà rất hợp để dùng kèm với các loại trái cây sấy có vị ngọt-chua nhẹ như xoài chín, hồng chín.
Một câu chuyện về cái tên Đông Phương Mỹ Nhân được đặt bởi Nữ hoàng Elizabeth II, sau một lần thử trà, bà đã đem lòng yêu thích hương vị khó quên, và mô tả thứ thức trà này mang một vẻ đẹp cuốn hút và cổ điển của phương Đông. Đem Đông Phương Mỹ Nhân để so với các loại trà oolong khác tại cửa tiệm như Oolong Đỏ của vùng trà Mộc Châu, hay Oolong Xanh organic với sản lượng cực ít trồng ở Lâm Đồng, công tâm nhận xét, hương vị của Đông Phương Mỹ Nhân tinh tế hơn một bậc.


Loại trà thứ ba mà mình ưng của tiệm đó là trà Rừng – Lục trà Shan tím của vùng trà Mường Khương, Lào Cai. Như đúng cái tên mà tiệm đặt cho, đây là một loại trà xanh đại diện cho hương sắc núi rừng miền Bắc của Việt Nam, thông qua các nốt hương đất và gỗ ẩm ướt của rừng sâu núi cao. Khi uống trà với chị Lạc, thường được chị kêu miêu tả một hình ảnh gợi lên ngay trong đầu sau khi thưởng thức một vị trà. Với Lục Trà Shan Tím mình thấy một cánh rừng nhiệt đới có độ ẩm cao, ở trong đó là các cây cổ thụ phần thân áo một lớp rêu xanh.
Khi thứ nước trà có phần chát nhẹ đi qua thực quản, hương vị đọng lại ở khoang miệng là một chút ngọt và khói nhẹ giống như vừa thưởng thức xong món nấm và măng tây áp chảo vậy, kèm một chút tanh nhẹ tựa rong biển hoặc cá khô. Một thức trà rất hợp để dùng kèm với các món ăn mặn như sò điệp xào măng tây, hay cá biển áp chảo với các loại rau củ quả.



Đối với mình, trà ngon không chỉ nhờ vào giống trà, vùng trà, kỹ thuật canh tác và sao chế, mà trà còn ngon vì thưởng thức trong đúng không gian và tại đúng thời điểm. Có những thức trà của tiệm mà mình từng thử qua sẽ rất hợp cho tiết trời âm u, mưa dầm, hơi đất nồng và gió lạnh như Lục Bảo hay Phỗ Nhĩ Trần bì. Hoặc vào ngày đầu thu trời xanh và gió hiu hiu thì nên đun nước, mang ấm chén ra pha trà Phổ Nhĩ Quýt, để tâm hồn mình được chìm trong hương thơm của tinh dầu quả quýt và vị đậm đà của trà Phổ Nhĩ. Khi mùa xuân tới, tiết trời chìm trong hương sắc của muôn hoa, thì hãy chọn trà Mây – búp trà rừng Hà Giang, để cảm nhận phong vị mùa xuân hoà với vị trà ngọt ngào và thơm nức tựa hoa quả.




thôi không thiết nỗi bàn thiên hạ
cho mặc ai ngồi đó giễu nhau
những điều không thấy không thể nói
mưa đổ chiều thu ngơi rất mauta về miết lại đôi thành chén
thức vị trà thơm trong ấm nâu
ai thời đã ủ hương ngợp lá
giữ một thiên đàng bung đóa sau…
lắng nghe sương sớm mà khơi dậy
trích bài thơ “Im” – tác giả Nhược Lạc
một ấm trà im trong khói mây
gọi nhau dăm tiếng xin thật khẽ
kẻo phố ngoài kia động gió lay.


Hy vọng nếu có dịp, bạn sẽ ghé quán trà đi Lạc và thưởng thức những thức trà thơm tại đây.
Hẹn lại bạn ở bài viết kế tiếp của mình nhé!