Dù album mới của chị Suboi – “No Nê” – đã ra mắt được một khoảng thời gian rồi, nay mình mới ‘rón rén’ biên một bài về album lần này của chị Su. Nói là rón rén vì vốn tự biết cái thân gái này là rap fan phong trào, mê chị Su từ cái hồi chị rap freestyle trong buổi diễn thuyết của Tổng thống Obama ở Việt Nam. Rào trước như thế để bạn đọc không kỳ vọng từ bài viết này của Mai những nhận xét có tính chuyên môn, hay kiến thức sâu rộng về âm nhạc Hiphop/Rap giống như một khán giả lâu năm của dòng nhạc này. Nếu bạn có ý kiến khác thì chúng mình cùng chia sẻ ở dưới phần bình luận nhé, nhưng trước hết xin bắt đầu bài viết này bằng một câu Mai thích nhất trong bài “Công” – ca khúc được chọn mở đầu & kết thúc của Album “No Nê”:
Stereotype not my social life
Sự trở lại vào giữa tháng 7 vừa qua với “No Nê” là thành quả 9 năm làm việc của chị Su và ekip của chị để sản xuất 10 ca khúc trong album này. Tính cho tới thời điểm này, có lẽ Suboi là nghệ sĩ Rap/Hiphop Việt Nam đầu tiên đã cho ra mắt 3 album phòng thu được sản xuất chỉnh chu từ sáng tác cho tới hậu kỳ và ra mắt.
Thời lượng khoảng 36 phút cho 10 ca khúc, album này được định nghĩa là một mâm tiệc có các món ăn với những mùi vị khác nhau của cuộc sống được dọn sẵn rồi chờ bạn tới nếm – taste the feels of “no nê”.

Tại sao là “No Nê”?
Một cái album đầy tiếng nhạc lòng mà trước giờ Suboi chưa bày tỏ đầy đủ. Lúc viết và tham gia sản xuất No Nê là một thời kỳ có nhiều thứ đổi thay nên cũng gói hết cảm xúc vào đây, mong rằng mọi người cũng cảm nhận được điều đó.
Trích lời giới thiệu của Suboi
Từ điển tiếng Việt định nghĩa hai chữ “no nê” là tính từ chỉ trạng thái no bụng sau khi ăn xong, và ở đây nó còn mang ý nghĩa là “đầy đủ”. Tuy vậy, Suboi cũng khéo léo trong việc chơi chữ, khi 2 từ “no nê” viết liền không dấu sẽ là “none” – trong tiếng Anh có nghĩa là chẳng một ai (đại từ), và chẳng có gì hết (tính từ). Tất cả phản ánh hành trình của một cô gái Sài Gòn trẻ đi tìm tiếng nói cho riêng mình giữa lòng thế giới cho tới khi cô ấy trở thành một người mẹ – một hành trình “no nê, đủ đầy” trong cảm xúc nhưng có thể cũng chẳng có gì, chẳng là một ai.
Khác với 2 album trước đó là “Walk” và “Run“, ngôn ngữ âm nhạc của “No Nê” đến từ nhiều nguồn cảm hứng khác nhau, mang đến những trải nghiệm cảm giác xuất phát từ chính trái tim và trải nghiệm sống của Suboi trong suốt những năm qua.
Văn hoá Á Đông ta định nghĩa ngũ hành tương sinh tương khắc, chuyển hóa qua lại, là nguồn gốc của sự vận động vũ trụ và bên trong con người. Thế nên ông bà ta luôn cho rằng việc cân bằng được ngũ vị – Chua, Cay, Mặn, Đắng, Ngọt – trong ăn uống, sẽ đảm bảo cơ thể khỏe mạnh, ngũ tạng được bồi bổ, sức khỏe dài lâu. Nếu trong Đông Y cho rằng ngũ vị tương ứng với ngũ hành tạng phủ, thì trong cuộc sống ngũ vị tượng trưng cho năm cung bậc cảm xúc của con người.
Không một ai sống trên cuộc đời này mà không phải trải qua năm cảm xúc cơ bản này. Nếu như vị “đắng” – minh họa cho những nỗi day dứt trong quá khứ, vị “cay” – biểu thị cho trạng thái tức giận, vị “mặn” – là cho những điều thay đổi bất chợt, vị “chua” đến khi ta nếm trải phẫn nộ, thì vị “ngọt” chính là notes viên mãn hạnh phúc. Thưởng thức một món ăn có đủ ngũ vị, không chỉ khiến ta thoả mãn và đủ đầy trong vị giác, mà còn là một sự chiêm nghiệm khi nghĩ về những điều đã xảy ra trong đời.
Có 4 bài hát trong album lần này đã được chị Su ra mắt trước đây: Công, Cho Không, N-Sao?, và Bet on Me. Mở màn là “Công” với một ngôn ngữ âm nhạc mạnh mẽ và khẳng khái qua 2 câu mở đầu: “I’m a young Vietnamese lady” và “Real Saigonese pop showbiz don’t fit!” – đã đủ để khẳng định giới tính, quốc tịch, nơi sinh sống và cả cá tính của người nghệ sĩ này.
Mình biết Hiphop/Rap vốn đã là một thể loại nhạc không dành cho đại chúng, âm nhạc của Suboi còn kén người nghe hơn nữa vì đa số ngôn từ và âm điệu sử dụng là đặc trưng của miền Nam. Thoạt đầu, Công mang tới cho mình một chút khó hiểu trong cách chị Su đi flow, chơi chữ, gieo vần… nhưng khi Mai ngồi xuống, lần mò giữa các câu chữ và nghe bài hát này một cách cẩn thận hơn thì thật sự … wow. Mình bất ngờ trong cái cách chị Su đặt vấn đề và những châm biếm dành cho một xã hội sáo rỗng làm ít nói nhiều, khuyến khích con người sống yên phận, không có bản sắc riêng giống như những chiếc bánh quy được định hình giống hệt nhau,… và còn nhiều các thông điệp hơn nữa trong bài nhạc này.
Đời cần gì một cái tên cho tình bạn mình
Thông minh hay không đâu cần chứng minh như Trạng Quỳnh
Không cần đêm khi chờ phone của ai
Speed dial number one ey, tôi là tổng đài
Càng nói nhiều, càng ít làm, càng chán
Càng kiểm soát, càng mất kiểm soát
You are some fucked up homie
But I ain’t give up homie
You got your world I got my world
I would never judge ya homie.
When you get high on ya ego
Oh ain’t you tired people
Cuz I don’t need the tittle to read the bible
Just wanna be enlighten
Công
Tiếp nối không khí mạnh mẽ từ Công, có lẽ là một chút vị mặn khi ngôn ngữ âm nhạc bỗng chuyển sang vui tươi hơn trong “Cho Không” – một bản funk-pop, một transition nhẹ nhàng để dần đưa người nghe tới với một Suboi nữ tính hơn sau khi đã đi qua độ tuổi 25 với nhiều phân vân, và giờ đây đang đắm mình trong hạnh phúc tình yêu với vai trò là một người vợ, người mẹ. Tuy nhiên, ở đây không thể thiếu một thông điệp rõ ràng: có làm thì mới có ăn, vì chẳng có cái gì “rơi xuống đây như cho không”.
Cốc, Cốc
Ai gọi đó? – Tôi là Thỏ
Nếu là Thỏ – Cho xem tai
Nếu ba gai – Thôi bye bye
Hôm nay thứ hai tôi đi làm, vô càm ràm, nói về mấy thứ đau cả hàm
Và chúng ta đã hơn 25
Những thứ kia không rơi xuống đây như cho không.
Cho Không
Và thế giới này như sương mai bay trong gian- không.
Anh ơi anh có vui không baby
Một cô gái sinh ra và lớn lên trong một gia đình cơ bản ở Sài Gòn, được đi học ở London như Mai ngỡ sẽ chẳng bao giờ hiểu những cực khổ lao động tay chân là như thế nào đâu. Ấy mà cái đoạn rap dưới đây của chị Su sao mà nó tả đúng những gì đã trải qua trong năm tháng đầu 20. Năm tháng tuổi trẻ xa nhà lúc đấy, có gì nhiều ngoài ước mơ và niềm tin đâu, cũng phải đi bưng bê tới nửa đêm để đổi lấy chút tiền nhà, tiền sinh hoạt phí và cũng là để thoả nỗi nhớ Sài Gòn qua ly cà phê bạc xỉu nhỏ mỗi sáng.
Nghi ngờ điều mình nói
Tin vào điều mình làm
Qua từng lần mình đói
Phim của những người phàm
Khi tôi rờ vô túi nỗi lo tôi đếm từng tờ
Vậy mà đếm không hết ước mơ
Đôi khi không có bún bò cho mày no nê
Mồ hôi mồ kê đói mì gói cũng ô kê
Ô kê, gì cũng được anh ơi
Cho em vô bưng bê lương xi nhê
Cho tiền nhà, mỗi sáng ly cà phê Ban Mê
Cho Không
Trở lại khoảng 3 năm trước, “N-Sao?” – một bản R&B/Trap không chỉ tạo một tiếng vang từ làng nhạc Hiphop/Rap Việt Nam tới thị trường âm nhạc Quốc tế khi được phát trên Beats 1 Radio (nay là Apple Music 1 Radio) ở Mỹ, mà nó còn đánh động vào trái tim của một cô gái sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn là Mai đây.
Những hình ảnh rất đời, rất thực của một thành phố Sài Gòn hoa lệ và sôi động được tái hiện qua những câu từ và giai điệu hiện đại mà vốn ta chỉ thường thấy ở âm nhạc Âu Mỹ, và cũng chỉ có người sống ở Sài Gòn mới hiểu được những hình ảnh và ngôn từ được sử dụng làm chất liệu âm nhạc ở trong “N-Sao?”.
Tui là Vinja cờ xanh năm lá
Anh chị em quây quần 333
Saigonese nhiều khi “dô” sung quá
Xin bật loa trình bày đơn ca
Sài Gòn đổi mới thật là nhanh nhanh
Ngó trước ngó sau, coi chừng đứt phanh
Từ xa có sửa xe coi chừng bể bánh
Kẹt xe thì quẹo hẻm cho nó nhanh
Sáng thứ hai đẹp trời, đạp xe về ngã tư quận 3
Bánh mì thịt kính mời
Mà sao dòm hoài hổng ra, toà nhà mới ở đâu mà ra?
Tám bốn bảy bốn, đi khắp chốn cũng là về tới nhàBánh xe này chắp vá đó là ngày hôm qua
Đứng lại! Ê cô gái, em có nghe tiếng la?
N-Sao?
Nếu như mở màn là một hình ảnh rất đậm về sự mạnh mẽ của một người phụ nữ hướng tới việc tự kiểm soát cuộc đời của cô ấy. Thì với “Sickerrr“, “Best Friend“, “Bet on Me“, và “Lava” vẫn là cá tính mạnh mẽ và thái độ tự tin ấy, nhưng sao bỗng rất đỗi dịu dàng, đằm thắm và đàn bà. Hóa ra “feminism” không phải chỉ hùng hồn đấu tranh, ganh đua nhằm thể hiện sức mạnh, để đòi bình quyền với đàn ông hay bất kỳ giới tính nào khác. “Feminism” là tự cho bản thân phụ nữ chúng ta cái quyền được yêu, được bộc lộ và được hết mình trong tình yêu với người ta yêu. Và “Feminism” còn là biết trân trọng vẻ đẹp riêng của bản thân, vì đẹp như cây bông hồng nên mới có gai.
Ta đi qua, bao nhiêu năm bôn ba
Đâu ai may mắn hơn ta baby
Không một ai, không một ai
Ta đi qua
Từng lời hứa đó tới giờ chuyện thần tiên đúng vậy không?
Nàng công chúa chỉ biết chờ một chàng trai hôn là xongNở một nụ cười như đoá hồng buổi sớm mai
Trái tim người nhìn ngập trong cồn
Cái bông hồng này nó đẹp, mới có gai
Gái trên đời này ngầu vãi lồn
Em: Tasty như là whiskey
OG Disney như là Micky
Icon 90 như là Britney
I’ma sicky, oh you with me
I’m just litty, yah you with me
I’ma sickiii …
Yah I’m cool!
Sicker
Nếu như đã chán ngán với hình ảnh phụ nữ yếu đuối, quỵ luỵ, cam chịu trong các Music Video Pop/Ballad đương thời; và cả phẩm chất tiết hạnh, lệ thuộc đàn ông trong vô số văn chương cổ điển, thì ở đây Suboi bày ra cho ta nghe tiếng nói của một người phụ nữ hiện đại, trải đời, đẹp, ngầu và không ngại bóc trần. Qua ngôn ngữ âm nhạc của mình, Suboi đã định nghĩa lại “feminism” – điều cốt lõi tới từ sự tự tin bên trong, từ cách phụ nữ kiểm soát bản thân và hành động của họ.
Cá nhân mình xem những yếu tố ngoại hình, vật chất, tình dục, … chỉ là những yếu tố nhỏ trong tình yêu, trên tất cả những thứ đó, sự tôn trọng và thấu cảm mới là thứ tạo nên một mối quan hệ bền vững – và đây cũng là lý do vì sao “Best Friend” chính là bài hát Mai thích nhất trong album “No Nê” này.
Vẫn mạnh mẽ và táo bạo như chính con người của Suboi, ngôn từ của “Best Friend” thể hiện những tổn thương bên trong một người phụ nữ. Đi qua tất cả đau thương ấy, điều mà người phụ nữ ấy cần là một người trân trọng họ, chứ không phải là một gã lúc mới yêu và hết yêu chỉ chóng vánh như cơn mưa rào đầu mùa. Người phụ nữ ấy muốn được đối xử như một “Best Friend”, thay vì “another girlfriend”. So sánh với trải nghiệm cá nhân, Mai hoàn toàn đồng tình với quan điểm xem người đối tác của ta như một người bạn thân nhất – người không chỉ yêu ta mà còn sẵn lòng cùng ta chia sẻ ngũ vị của cuộc sống này. Bằng cách nào đó, chính là xương sống cho một mối quan hệ bền vững và cứng cáp theo thời gian.
I’m your best friend baby
Not-a-nother girlfriend baby
Nếu như không có anh
Con đường này vẫn đẹp
Thương trường này vẫn hẹp
Mà bây giờ túi em lép kẹp
Và cái gì em cũng lép và cái mồm nó vẫn nhép
Còn sống em mới rap, không lần nào để xé nháp
Và thì em thích vần kép, flow em là “yes yo”
Không cần hỏi đâu yeah I’m the best yo
Và để lúc đó biết em có anh
Và nếu như không có anh
Chuyến tàu này có thể trễ
Gốc rễ vài chục năm người ta chôn lấp
Mất kiên nhẫn nhiều lần được anh ôm ấp
Oh baby em
Không có nhiều thời gian chờ
Cuz I’m tired of being mad
Trên đường luôn có nhiều điều không ngờ
Would you take me by your hands
Cuz I love myself today
I’m better than OK
Best Friend
Sang tới “Bet on Me”, mình nhận rằng Suboi đã hiểu rõ giá trị của bản thân, và đã sẵn sàng để đi bước đầu tiên, làm người dẫn đường khi tình yêu đến với chị. Trong bài nhạc này, Suboi đã chủ động bày tỏ với người yêu là hãy đặt cược vào tình yêu này của hai người đi, và cùng đồng hành trên cuộc hành trình lãng mạn này, vì Suboi tin rằng anh ấy chính là người đàn ông mà chị mong có. Phụ nữ, đâu phải lúc nào cũng cần phải mạnh mẽ tới mức lấn át hay tỏ ra yếu đuối để phục tùng người đàn ông cô ấy yêu đâu, cái sự “feminism” nó nằm trong cách người phụ nữ bày tỏ và hành động cho tình yêu mà cô ấy mong cầu và tự biết mình xứng đáng có được.
Baby anh đâu cần nói
Bet on, bet on, bet on me
Giờ ta vui như chiêm bao
Baby anh đâu cần nói
Lắng nghe, lắng nghe trái tim em
Ta cùng rong chơi cùng nắng chói qua đôi môi anh
Vui nhìn thế giới bên nhau it’s ok
Bet on Me
Nếu như “Sickerrr” bày tỏ tự tin và phát triển của người phụ nữ theo thời gian, “Best Friend” và “Bet on Me” mang tới thông điệp rõ ràng về tình yêu của phái nữ, thì chủ đề tình dục được thảo luận bằng nhiều phép ẩn dụ trong “Lava”.
Văn hoá Á Đông bao đời nay xem việc phụ nữ nói về tình dục dường như phá vỡ các chuẩn mực xã hội. Tình dục là một thứ vốn được coi là kín đáo, là thô tục, chỉ đề thầm thì với nhau thôi. Ấy mà giờ đây khi được Suboi truyền tải trong âm nhạc đại chúng, chủ đề tình dục được bộc lộ một cách văn minh và phóng khoáng bởi một người phụ nữ đã chạm đến cực điểm trong tình yêu, tính dục và cả sự nữ tính bên trong con người ấy.
Như một đặc trưng âm nhạc của chị Su, những nỗi đau và thử thách trong cuộc sống mà chị trải qua được lồng ghép để người nghe hiểu thêm về con người của Suboi ngày hôm nay. Cái cuộc đời này nó đôi khi khiến ta “xỉu lên xỉu xuống”, nhưng cuối cùng, thì âu cũng bình thường ấy mà.
Trôi vào môi của em dường như là lava
Run everywhere oh lava
Lava tan vào tim, ra thiên hà
Oh la la la la Ta này
Đôi lần ta về đây mong sum vầy
Màu trắng tinh khôi như mây này
Bay vào mưa nhìn nhau rồi chưa, baby
Có khi ta lên xuống, ta xuống lên
Có khi ta lên xuống, xuống lên
Cũng bình thường
Có khi ta đi đứng, ta đứng đi
Có khi ta đi đứng, đứng đi đoạn trường
Lava
Kết hợp autotune hiện đại và chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam từ các nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, bộ gõ, hay tiếng phát ra từ xe bánh mì quen thuộc với bất kỳ một người con Sài Gòn nào, “Diều” và “Ngày lại ngày” vẫn giữ cái lối kể chuyện và thái độ âm nhạc trước giờ của chị Su: thẳn thắng, chính trực và rất đời thực. Tự hào là một người con Sài Gòn, Suboi cho khán giả thấy khả năng sử dụng ngữ điệu miền Nam đầy linh hoạt, và không ngại nói thẳng nói thật.
Trời hồng một đường, mình ngồi ở đây
Đời này đẹp vậy người đừng vội rời tay
Đôi mắt em sâu và khi đôi môi em nâu
Nhịp tim ai nhấp, thân và tâm thi đấu
Im lặng để thấy vai nhau
Qua dòng người tựa kiến chen nhau
Con đường này chẳng có bao lâu
Oh tuổi đời chẳng có mai sau
Nhìn người để cảm ơn nhau
Mỗi một người lại góp một màu
Ohhh cuộc đời làm bức tranh kia
Ta trầm trồ lại đứng ngắm lâu
Ngày lại Ngày
Nhiều việc không đâu, làm mình bị chi phối mau
Đổ thừa thương đau, một hồi lại trôi mất nhau
Loài người đi đâu?
Và mình ở đây tới bao lâu?
Đó chỉ là một hoặc hai điều
Đôi mắt em ngọt vì vui nhiều
Đi đến đâu, đời: bức tranh đa chiều
Đứng ngã ba đường, mà bây giờ thương nhiều
Gió đưa diều khắp nơi
Cho em thấy một lần nữa yêu
Ném cho nhau vài câu hỏi thăm
Souvenir vài ba nét xăm
Diều
Đối với mình, âm nhạc của chị Su luôn mang tới sự khác biệt, theo một cách tích cực. Thông điệp đằng sau những câu rap và giai điệu không chỉ mô tả những trải nghiệm rất đời của một người phụ nữ dám nghĩ – dám làm – dám nói lên tiếng nói của bản thân, và còn là sự tự tin trong việc phá bỏ định kiến đối với phụ nữ vốn đã tồn tại rất lâu trong xã hội.
Cái cách mà Suboi châm biếm và vạch trần xã hội sáo rỗng hay những trò bịp bợm có thể hơi tiêu cực, nhưng bên cạnh đó, âm nhạc của Suboi vẫn luôn khuyến khích và đề cao tính nữ, sự tự tin và khác biệt của người phụ nữ hiện đại.
“Nữ Quyền”, “Quyền Nữ” hay “Quyền Con Người”?
Theo từ điển tiếng Anh của Đại Học Oxford, “feminism” là một danh từ được định nghĩa như sau:
- the doctrine advocating social, political, and all other rights of women equal to those of men.
- (sometimes initial capital letter)an organized movement for the attainment of such rights for women.
Khi được chuyển đổi sang tiếng Việt, “feminism” được định nghĩa ngắn gọn là “nữ quyền” – một cụm danh từ ngày càng được nhắc nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông, những hoạt động xã hội được tổ chức để đấu tranh cho quyền của phụ nữ trong cuộc sống.
Đối với cá nhân của Mai, phụ nữ, đàn ông, người khuyết tật, hay những người thuộc cộng đồng LGBTQIA+, … tất cả chúng ta – đều là nhân loại đang cư trú trên tinh cầu này – dù xuất thân từ bất kỳ chủng tộc, giới tính, tôn giáo hay cấp bậc xã hội nào, thì cuối cùng và quan trọng nhất, mỗi chúng ta đều xứng đáng có được “quyền con người” và “quyền được chọn sống sao cho trọn vẹn với cuộc đời”. Chính vì thế, nếu phải chọn, Mai nghĩ mình sẽ không chọn đấu tranh cho “nữ quyền” chỉ để được đối xử bình đẳng như đàn ông hay bất kỳ ai cả, thay vào đó Mai sẽ chọn giành quyền được sống cuộc đời của mình.
Khi mà ngày nay, chúng ta có đa dạng định hình giới tính, thay vì chỉ có nam và nữ. Thì những định kiến (stereotypes) mà chúng mình đã và đang phải nghe hàng ngày, từ lúc bé tới lớn, như: phụ nữ là phải ngoan phải biết nấu ăn biết làm việc nhà thì gia đình âm ấm vợ chồng mới hạnh phúc, con gái thì học ít thôi chứ học cao quá không ai dám hỏi cưới, hay như khẩu hiệu “phụ nữ thời đại mới là giỏi việc nước đảm việc nhà”, phụ nữ là phải lấy chồng sinh con,… – một chuỗi tư tưởng nhằm định hình người phụ nữ phải sống một cuộc đời kiểu mẫu cho xã hội, cho gia đình, chứ không phải cho riêng người phụ nữ đó.
Cụm danh từ “Nữ quyền” xuất hiện đại trà, đôi khi lại bị hiểu theo hướng tiêu cực, khiến nhiều người nghĩ rằng phụ nữ đang cố gắng trở nên “vượt trội”, muốn bình đẳng thế giới này, muốn có nhiều quyền kiểm soát hơn, chính vì vậy đám phụ nữ kia không ngừng đòi hỏi quyền bình đẳng. Nhưng không, điều phụ nữ chúng tôi đang lên tiếng bao lâu nay đó là để giành cái quyền như bao con người khác, là được tự chọn lựa cuộc đời mà phụ nữ muốn sống.
Với mình, ngôn ngữ âm nhạc của chị Su luôn hướng tới việc ủng hộ nữ quyền của chính phụ nữ. Âm nhạc và tiếng nói của chị Su không trực tiếp chỉ vào đàn ông, hoặc cố gắng chống lại đàn ông. Vì đàn ông không phải là chuẩn mực, mà phụ nữ chúng ta cần phải đấu tranh để được giống như đàn ông.
Bài viết của mình chỉ tới đây thôi vì đã quá dài rồi, để nghe trọn album “No Nê” của Suboi bạn có thể truy cập Spotify hay Apple Music, hoặc Youtube nhé! Thương chúc bạn có một bữa tiệc âm nhạc “No Nê” :’).