Chào bạn, không biết liệu Mai và bạn đã có cơ hội biết nhau ở ngoài đời chưa nhỉ? Dù đã hay chưa, cũng xin cho Mai gửi lời thăm hỏi tới bạn nhé, Mai mong mọi điều tốt lành nhất tới bạn và những người bạn thương yêu trong khoảng thời gian khó khăn này.
Cũng đã lâu lâu rồi Mai chưa viết gì trên trang cá nhân này dù mình đã tự hứa với lòng là phải chăm viết blog nhiều hơn. Dạo rồi Mai khá bận, vừa là bận công việc, vừa là bận dành thời gian cho bản thân, tuy vậy Mai vẫn viết blog đều đặn, chỉ là không viết blog cho cá nhân mình thôi, còn đăng ở đâu thì Mai sẽ hé lộ với bạn sau nhé.
Vậy là tròn 4 năm Mai làm blog rồi. Nhớ lại ngày đầu, Mai chỉ mong muốn làm một trang ghi lại hành trình khám phá những vùng đất mà mình đã đi qua, những món ăn mà mình đã được nếm thử, hay những trải nghiệm du học của mình tại Vương Quốc Anh, … – giống như trong bài nhạc “Đi theo bóng mặt trời” của anh Đen Vâu có câu hát:
Anh muốn khi anh hết trẻ, ngồi nhìn bầu trời xanh biếc cuối chiều
Bên hiên nhà, ly trà ấm, trong tâm tư không tiếc nuối nhiều
Rồi anh kể cho đám trẻ, những điều anh đã trải qua
Không phải để họ ngưỡng mộ, hay là để họ ngợi ca
Chỉ là ai cũng có những ngày trẻ, rồi thì cũng sẽ già nua
Những ngày mà chân chưa mỏi, có tiền cũng khó mà mua.
Dù con số 60 bài viết được đăng lên website này, nó quá ít ỏi với cái danh xưng một blogger đã làm blog 4 năm. Tuy vậy Mai vẫn luôn thầm hy vọng rằng đâu đó ngoài kia, những thông tin mình chia sẻ cũng đã giúp ích được cho một ai đó.
Mai đang đi những chặng cuối của chương thứ 25 của cuộc đời mình. Không biết bạn đọc của Mai có bao giờ tự hỏi đâu là con số yêu thích nhất của bạn không nhỉ? Với Mai, con số yêu thích nhất là số 25 – là số ngày sinh và đồng thời cũng là số nhà cũ của Mai khi còn ở London. Nếu có lúc nào đó chúng mình chơi đặt cược với nhau, thì bạn biết Mai sẽ chọn con số nào rồi đó.
Bước qua độ tuổi 25, không biết vì sao Mai đã có cảm giác đây chắc sẽ là một năm rất đáng nhớ của bản thân. Không phải vì người ta hay nói 25 là độ tuổi chênh vênh, là khi giấc mơ đã chết. Cũng chẳng phải đã linh tính trước là cơn đại dịch này sẽ kéo dài xuyên suốt cái tuổi 25 của mình, vì vốn Mai đã trải qua gần như toàn bộ năm 24 tuổi trong dịch bệnh và giãn cách xã hội triền miên ở London rồi.
Bài viết này là mở đầu của chuỗi nhiều bài viết (hy vọng có đủ kiên trì để đi được thành 25 bài học của tuổi 25 nhỉ!) về trải nghiệm sống của Mai, bên cạnh các trải nghiệm đi đâu – ăn gì. Nhá trước là trải nghiệm sống của mình không có màu hồng đâu, mà bao gồm rất nhiều mảng màu khác nhau, và bạn sẽ chẳng tìm thấy bí quyết thành công nào trong cuộc sống đâu. Ở đây, chỉ có những trải nghiệm sống rất bình thường của một người trẻ trên hành trình tìm kiếm những bản ngã mới, và học cách chấp nhận những nhân cách mà cô ấy vốn có.
Trải nghiệm số 1: Nếu chưa tìm thấy được một ý trung nhân, một life-partner cho bản thân ở độ tuổi 25, thì hãy đi tìm cho mình một người mentor tốt.
Khái niệm mentorship, hay còn được định nghĩa là sự hướng dẫn từ một người cố vấn, vốn đã phổ biến từ lâu ở các nước phương Tây, đặc biệt là trong lĩnh vực học thuật hay công việc – nơi mà chúng ta cần rất nhiều lời cố vấn và chỉ bảo từ những người đi trước, có vốn kinh nghiệm dày dặn để hướng dẫn cho ta về các vấn đề trong các lĩnh vực cụ thể.
Mai chỉ bắt đầu đi tìm mentor cách đây hơn một năm thôi, và đây là điều Mai luôn ước rằng bản thân mình phải làm sớm hơn. Ở mỗi một người mentor, Mai học được từ họ nhiều điều rất hay ho trong một lĩnh vực cụ thể mà mình đang yêu thích. Chẳng hạn như Mai có những người mentor hướng dẫn tất tần tật về các ngành như Quảng cáo và Programmatic, Sáng tạo, Data và các con số, thiết kế Website hoặc về lĩnh vực Giáo dục hay Khởi nghiệp, … Tuy đa dạng ngành nghề, những Mentor của Mai có điểm chung là họ đều có một niềm đam mê và lượng kiến thức phong phú trong lĩnh vực mà họ đang làm việc và nghiên cứu.
Những người mentor may mắn mà Mai quen được, có những người bây giờ trở thành business partners, và có những mối quan hệ mentorship dần trở thành những người anh, người chị thân thiết của hiện tại. Trên cả những bài học chuyên môn, họ cho Mai rất nhiều lời khuyên giá trị về cuộc sống, về cách đối diện với các vấn đề, … và bản thân Mai cũng học được rất nhiều từ quá trình quan sát họ trong cuộc sống thường nhật.
Nếu bạn thắc mắc là đi đâu để tìm thấy mentor, thì Mai xin được chia sẻ là mentor có thể là bất cứ ai mà bạn tiếp xúc trong cuộc sống hằng ngày. Đó có thể là nhị vị phụ huynh của bạn, là anh chị ruột thịt hay họ hàng, cũng có thể là một ai đó bạn gặp gỡ nơi làm việc, thậm chí là một người quen trong vòng tròn xã hội của bạn, … Khi đã tìm thấy, đừng ngại để mở lời hỏi han nhé, vì điểm chung của những người mentor tốt là không ngại để chia sẻ với bạn những kinh nghiệm và kiến thức mà họ đã tích luỹ được đâu, khi họ đã nhận thấy được tinh thần ham học hỏi từ bạn.
Trải nghiệm số 2: Nếu chưa thành công bằng bạn bè đồng lứa ở tuổi 25, thì hãy học cách chấp nhận việc mỗi cá nhân trên tinh cầu này có một hành trình phát triển riêng.
Ở cái độ tuổi giữa 20 này, liệu bạn đã từng thấy lòng mình hơi chùn xuống khi nhìn bạn bè xung quanh thành gia lập thất, thăng tiến đều đặn trên con đường sự nghiệp, hay thầm ghen tị vì mọi người được phiêu lưu tới những vùng đất mới, check-in ở những địa điểm xa hoa, …?
Không chỉ mình bạn mới thế đâu, vì Mai cũng đã từng có những đêm thao thức, những lần khóc ướt cả gối khi nghĩ về bản thân mình mãi rong chơi ở nơi xa, vật lộn cân đối nỗi lo cơm áo gạo tiền và những bài luận phải nộp đúng hạn, những đêm mùa đông co ro trong lớp áo bông dày cộp đợi những chuyến bus cuối ngày nơi xứ người. Tự băn khoăn không biết quyết định chọn lấy hành trình phiêu lưu liệu có đúng không, khi bạn bè đồng lứa ở nhà sớm đã rời ghế nhà trường và lặn lưng nhiều năm kinh nghiệm thực chiến nơi công sở.
Dạo gần đây khi được đặt câu hỏi về thành tựu lớn nhất mà bản thân đã đạt được cho tới thời điểm này, lúc đó Mai mới cho mình cơ hội được nhìn lại hành trình đã đi qua, hoá ra nó dài phết và thu lượm được rất nhiều thứ chứ có phải lông bông chỉ biết ngắm hoa đuổi bướm đâu. Thành tựu về công việc thì có thể điểm lại qua những con số, nhưng mà thành tựu to, rõ và chất lượng nhất là mình đã dám đối mặt với những điều mình sợ, và đang làm được những thứ mà mình từng nghĩ sẽ không làm hoặc không thể làm.
Thật ra việc mắc phải hội chứng sợ bị vụt mất hay bỏ lỡ, hay tiếng Anh người ta gọi đó là Fears of Missing Out, là một trải nghiệm tâm lý rất bình thường, đặc biệt với thế hệ người trẻ thuộc Millennials và GenZ. Có thể nhận định của Mai sẽ mang tính chủ quan, nhưng cuộc sống của đại đa số người trẻ chúng mình hiện nay có phần sướng hơn thế hệ của ông bà bố mẹ, vì không phải qua lo lắng quá nhiều chuyện cơm ăn áo mặc hay chuyện chiến tranh, khiến chúng mình dần có nhiều áp lực từ việc “nhất định phải thành công” hoặc “chỉ có mỗi lo ăn với học, chẳng có lý do gì để thất bại cả”. Tuy vậy, mặt trái của việc tiếp cận với nhiều sự lựa chọn và đặc ân trong cuộc sống dễ khiến chúng mình sợ rằng sẽ lỡ mất những cơ hội tốt hơn, và rồi thấy nghi hoặc về những điều mình đã chọn lựa, và khi cuộc sống thử thách sức bền của mình một chút thay vì tìm cách vượt qua, mình lại quay sang nghi hoặc khả năng của chính bản thân.
Vốn là người bị FOMO rất nặng, nên mình sẽ không thể đưa ra cho bất kỳ ai lời khuyên làm sao để ngưng sợ hãi và nghi hoặc chính bản thân. Tuy vậy, Mai luôn cố gắng nhắc nhở bản thân rằng “Mọi thứ diễn ra đều có lý do của nó” (Everything happens for reason), có khi đi chậm một chút là để dưỡng sức cho một chặng đường dài hơi hơn, và cũng là để có thời gian thu nhặt thêm kiến thức bổ trợ.
Trải nghiệm thứ 3: Ở tuổi 25, chấp nhận những thiếu sót của bản thân là cần thiết, và nếu nhắm thay đổi sẽ mang lại kết quả tốt hơn thì đừng ngại thay đổi.
Có một người mentor, đồng thời là một người chị Mai rất quý và ngưỡng mộ đã từng chia sẻ, có 3 thứ mà một người trẻ cần phải có đó là: sự tự tin, sẵn sàng xây dựng các mối quan hệ, và chủ động tìm cách xử lý vấn đề. Thật thà để nói, 3 điều này là 3 tố chất mà Mai không có sẵn, và bản thân mình cũng đang phải rèn luyện nó mỗi ngày đây. Nhưng từ khi mình chú ý tới chúng, không chỉ có thế giới quan thay đổi, mà cuộc sống của Mai cũng trở nên tích cực hơn khi mình biết đặt niềm tin vào chính những điều mình đang làm, chủ động tìm cách và nguồn hỗ trợ từ các mối quan hệ bên ngoài để xử lý các vấn đề đang cản trở.
Ở mọi độ tuổi, có chính kiến hay việc giữ vững lập trường chính là một tố chất vô cùng quan trọng – đây là điểm tựa để con người chúng ta thực hiện những dự định, ước mơ, giúp ta luôn có một tinh thần minh mẫn và tỉnh táo. Ngoài ra, sự kiên định giúp ta giảm bớt áp lực khi lúc nào cũng phải suy nghĩ xem người khác nghĩ gì về mình, về việc làm mình đang làm.
Trong mỗi vấn đề, mỗi một cá thể đều có những suy nghĩ, những nhận định riêng bởi vì góc nhìn của mỗi người đều được kiến tạo trong một thời gian dài dưới những tác động từ môi trường sống và những người xung quanh. Chính vì vậy, giữ vững chính kiến của bản thân là điều rất cần thiết.
Tuy vậy, chúng ta cũng nên cân bằng việc giữ vững chính kiến của bản thân và việc tiếp thu những lời đóng góp từ mọi người xung quanh, đặc biệt là những người thật sự thương yêu và quan tâm chúng ta. Đừng vì giữ chính kiến của bản thân một cách cực đoan, mà làm rạn nứt những kết nối với vòng tròn xã hội. Đôi khi một chút chia sẻ hoặc đôi ba giờ dành để lắng nghe nhau sẽ giúp chúng ta tỏ rõ những điều khó khăn trong lòng, và cũng để củng cố mối quan hệ được bền vững tốt đẹp hơn.
Trải nghiệm thứ 4: Cám ơn và xin lỗi là hai điều mà ai cũng được dạy từ bé, ở tuổi 25 chúng ta nên sử dụng chúng thường xuyên hơn.
Biết ơn và nhận lỗi là những phép tắc lễ nghi thông thường, ấy vậy mà đa số hoàn cảnh, chúng ta đã không thực hiện một cách trọn vẹn. Ở những năm tháng xa nhà, không chỉ nạp vào kiến thức sách vở hay giá trị văn hoá mới, Mai còn có cơ hội để hiểu về sự biết ơn và xin lỗi.
Đáng lẽ phải nhận ra sớm hơn, ấy vậy mà ở độ tuổi 25 Mai mới biết ơn vì những đặc ân đã và đang nhận được từ gia đình, nơi có ba mẹ luôn dang rộng vòng tay để nâng đỡ bất kỳ lúc nào, luôn lo lắng vì những quyết định liều lĩnh của cô con gái lớn này nhưng vẫn hết mực kiên nhẫn để cô ả được thoả sức bay nhảy. Biết ơn những tình cảm và sự giúp đỡ tận tình của những người bạn, người chị, người anh thân thiết khi Mai rơi vào cảnh khó khăn. Những đặc ân mà Mai đã và đang nhận được từ mọi người là những giá trị không tiền bạc nào có thể mua được, Mai biết ơn và trân quý rất nhiều.
Nếu bạn biết Mai ở ngoài đời và chúng ta tiếp xúc đủ thân thiết, thì bạn sẽ nhận thấy cô gái văn vở ở đây lại ngáo ngơ và mắc rất nhiều sai sót trong cuộc sống hằng ngày. Sai nhiều tới mức mà cổ tự cáu với bản thân luôn vì cứ luôn phải đi nhận lỗi và sửa sai.
Dù Mai cũng chưa có làm tốt lắm chuyện nhận lỗi đâu, vì đôi khi cái tôi còn lớn mà không nhận ra được lỗi sai, nhưng bài học nghe có vẻ giáo điều ấy vậy lại rất cần thiết đó là – cố gắng sau này đừng làm gì sai gây phiền hà tới người khác. Ấy vậy, có đôi khi mình biết mình không sai, chấp nhận phần lỗi về mình trước cũng là một cách ghi nhận vấn đề và tôn trọng mối quan hệ hơn là ngồi phân bua xem ai mới là người sai trong câu chuyện. Có một câu quote Mai lưu lại trong máy để thi thoảng tự nhắc nhở bản thân:
Everyone makes mistakes in life but that doesn’t mean they have to pay for them for the rest of their life. Sometimes good people make bad choices. That doesn’t mean they’re bad. It means they’re human
Ở tuổi 25, Mai nhận ra rằng, lời cảm ơn thì dễ nói hơn lời xin lỗi, và có rất nhiều cơ hội mỗi ngày để ta gửi lời cảm ơn ai đó – biết hàm ơn khi được giúp đỡ và biết nhận lỗi khi làm sai.
Ở đoạn đầu Mai nghĩ là mình phải cố viết thật nhiều, cho đủ con số 25 trải nghiệm của tuổi 25, nhưng sao viết tới đây là thấy hơi đuối rồi, thầm nghĩ khi các bạn đọc một bài nhiều chữ thế này chắc cũng thấy mệt vì blog gì mà văn vở và giáo điều nhiều thế. Tuy vậy, Mai hi vọng những trải nghiệm mà mình chia sẻ ở đây sẽ hữu ích với một ai đó, ít nhất là cũng sẽ giúp bạn ấy không thấy đơn độc khi trải qua những cảm xúc khó khăn của tuổi trẻ này.
2 responses to “Ai nói giấc mơ đã chết khi ta qua 25”
Tuổi 25 là một cột mốc của tuổi trẻ và sẽ thật hay nếu tuổi 25 rực rỡ theo một cách nào đấy. Chị chúc em tuổi 25 trọn vẹn nha!
LikeLiked by 1 person
Em cám ơn chị Uyên. Nhân tiện em xin gửi lời chúc sức khỏe và bình tới chị và gia đòn trong thời điểm này ạ 💚
LikeLiked by 1 person