Hầu hết mọi người đã từng nghe qua cái tên “Podcast“, nhất là những ai đang dùng các thiết bị của Apple hoặc nghe Spotify, nhưng nhiều trong số đó chưa thực sự hiểu tìm hiểu về ứng dụng này.
Vậy Podcast nghĩa là gì? Và nghe Podcast có gì hay?
Podcast là nội dung truyền thông số qua hình thức phát thanh và là một trong những phương tiện thông tin đang phát triển nhanh chóng. Về bản chất, Podcast là một phần mềm ứng dụng của Apple có mục đích phát thanh và lưu trữ các tập tin âm thanh với định dang “mp3”, mà ở đó người dùng có thể tải xuống để nghe. Có thể nói Podcast giống như một chương trình radio, nhưng chúng ta có thể chọn nội dung muốn nghe và tải nó xuống dễ dàng. Khác với các nội dung thu hút người dùng dễ dàng bằng ấn tượng thị giác trên các nền tảng như Facebook, YouTube, Instagram hay TikTok, Podcast sẽ thuần túy về nội dung và âm thanh, cụ thể ở đây là giọng nói và lối dẫn chuyện của người host, nhằm mang đến thông tin và những kiến thức chuyên sâu hơn trong một lĩnh vực hay chủ đề cụ thể.
Podcast lần đầu xuất hiện là tại một sự kiện có tên – BloggerCon, được tổ chức vào năm 2003. Tại đây, một phần mềm với tên gọi RSS-to-iPod đã được ra mắt nhằm mục đích cho phép người dùng iPod tải các tệp âm thanh từ trên Internet về. Cho đến năm 2004, thuật ngữ “podcasting” xuất hiện, được đặt bởi một nhà báo người Anh – Ben Hammersley. Podcast được kết hợp của hai từ “iPod” – sản phẩm máy nghe nhạc đình đám một thời của Apple và “broadcast” – phát sóng. Một thời gian ngắn sau đó, Dannie Gregoire đã sử dụng thuật ngữ “podcaster” ám chỉ một người sản xuất Podcast, và từ ấy thuật ngữ Podcast dần trở nên phổ biến.
Theo The New York Times, trong vài năm qua, hoạt động podcasting đã có một sự phát triển vượt bậc. Kể từ năm 2018, số lượng các chương trình Podcast đã tăng hơn gấp ba lần, có khoảng hai triệu nội dung đã được đăng trên các ứng dụng như Apple Podcast, Spotify, … . Các ông lớn trong ngành truyền thông số như Spotify, Amazon, SiriusXM, iHeartMedia, cũng như các công ty thu – phát trực tuyến và truyền thông truyền thống lớn khác đã rót khoảng 2 tỷ dollar vào ngành Podcasting. Những người nổi tiếng, ngay cả các cựu tổng thống Mỹ như Bill Clinton và Barack Obama, đã và đang nhìn nhận những chương trình On-demand Audio như một kênh chính trong việc xây dựng thương hiệu, và Podcast là một phần trong số đó.
Theo Search Engine Journal, Podcast đã đạt hơn 48 triệu lượt nghe mỗi tuần vào năm 2018, và được mong đợi sẽ tiếp cận 115 triệu người nghe mỗi tuần vào năm 2021.
Mình bắt đầu nghe Podcast từ khi nào?
Mặc dù quá trình hình thành của Podcast bắt đầu từ những năm 2000, nhưng mãi tới đầu năm 2020 mình mới bắt đầu biết và nghe Podcast khi một người bạn trên Facebook của mình chia sẻ về kênh Podcast của anh ấy. Mình tin rằng ở ngoài kia, sẽ có ít nhất một ai đó giống như mình, lúc cần tập trung thì phải nghe nhạc hay radio. Nhưng khi các bài nhạc trên Apple Music trở nên quá quen thuộc, thì Podcast là một làn gió mới mang tới nhiều chủ đề và thông tin hay ho.
Hầu hết các chương trình Podcast đều được đóng gói chỉnh chu, với lượng thông tin được chọn lọc kỹ lưỡng cùng với một ít hiệu ứng âm thanh giải trí và khiếu hài hước của người host. Podcast ngày càng trở nên cực kỳ hấp dẫn và là một kênh thông tin hữu ích cho các doanh nghiệp, cũng như những người nghe đang khát nguồn thông tin được đầu tư chỉnh chu.
Từng được đánh giá là một diễn-đàn-bên-lề cho các chương trình hài kịch, các thảo luận về công nghệ và buổi phát thanh công cộng, podcasting là ngày nay một trong những góc nóng nhất của truyền thông. Các định dạng và phương thức kinh doanh trên các ứng dụng Podcast vẫn đang phát triển, và các nhà sản xuất truyền thông đánh giá phương tiện này giống như truyền hình vào khoảng năm 1949 – một lãnh thổ béo bở với với nhiều không gian để thử nghiệm.
Và sau đây là một số kênh Podcast mà mình hay nghe và muốn giới thiệu tới mọi người …
Unlock FM chính là nơi đã đưa mình tới thế giới Podcast mà mình đã đề cập ở bên trên. Founders cũng đồng thời là Hosts của Unlock FM là anh Quyền và chị Vi Anh. Anh Quyền hiện đang làm việc cho văn phòng Google ở London, trong khi chị Vi Anh thì đang làm việc ở Macquarie Group ở Sydney. Mình có cơ hội làm quen với anh Quyền khi tham gia một vài hoạt động tư vấn nghề nghiệp cho du học sinh Việt Nam ở London. Một dịp nọ, anh Quyền có chia sẻ chiếc Podcast đầu tiên trên Facebook nên mình có tò mò vào nghe thử, rồi bỗng dưng Unlock FM trở thành người bạn đồng hành truyền động lực cho mình suốt mấy tháng ảm đạm chỉ ở nhà viết luận án do lockdown.

Mặc dù sống cách nhau nửa vòng trái đất cũng như bận rộn với công việc chính, nhưng hai anh chị vẫn cố gắng dành thời gian để cùng đầu tư phát triển kênh Unlock FM. Nội dung của loạt podcast tại Unlock FM sẽ là những buổi nói chuyện giữa hai hosts và các anh chị khách mời – là người Việt, có đóng góp tương đối nổi bật với cộng đồng, hiện đang sống và làm việc tại Việt Nam hoặc nước ngoài. Bên cạnh đó, Unlock FM cũng mang tới những bài học hoặc kinh nghiệm sống hữu ích cho những bạn trẻ đang có nhu cầu phát triển bản thân. Mình tin rằng đây sẽ là một kênh Podcast tiếng Việt mang lại nhiều năng lượng tích cực cho người nghe.
2. Have A Sip, Bít Tất, Vietnam Innovators, M.A.D của Vietcetera
Mình vốn rất hâm mộ chị Thuỳ Minh, từ hồi chị còn làm YanTV. Khi chị “đầu quân” cho Vietcetera, với thế mạnh làm talkshow, thì một loạt các nội dung Podcast cực hay ho được phát triển và ra mắt bởi Vietcetera. Mục tiêu là trở thành nhà cung cấp nội dung hàng đầu cho thế hệ trẻ trung lưu đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam, Vietcetera dần có được chỗ đứng vững chắc trong thế hệ Millennial tại Việt Nam.

‘Vietnam Innovators‘ (tên tiếng Việt là ‘Những Nhà Đổi Mới’) – là podcast đầu tiên của Vietcetera với mục đích giới thiệu một thế hệ doanh nhân mới của Việt Nam, với hai phiên bản tiếng Anh và tiếng Việt; tiếp đó là sự ra đời của podcast ‘Have A Sip’ – phỏng vấn những tác giả, biên kịch, người làm sáng tạo được dẫn dắt bởi chị Thuỳ Minh; ‘Bít Tất‘ – mỗi một tập kéo dài chừng 30 phút, thảo luận tất-tần-tật về những chủ đề khác nhau trong cuộc sống; và mới nhất là ‘M.A.D‘ – một series podcast mang tới các câu chuyện xung quanh nhóm ngành Marketing, Advertising và Design tại Việt Nam, được Vietcetera hợp tác sản xuất cùng The Lab Saigon. Đây đều là những podcast với những chủ đề khác nhau mà mình có thể tuỳ chọn nghe mỗi ngày.
Campaign được biết tới là một tạp chí kinh doanh uy tín và nổi tiếng trong mảng tiếp thị, quảng cáo, truyền thông và thương mại tại Anh. Hầu hết nội dung trên tạp chí này được chắp bút bởi các chiến lược gia, chuyên gia và biên tập viên trong ngành truyền thông và quảng cáo tại London, điều làm nên danh xưng “the Bible of British adland” cho tạp chí này. Ngày mình còn học đại học ở Anh, hầu hết các bài kiểm tra và bài tập thảo luận trên lớp đều được lấy từ các bài viết của Campaign. Nếu như phiên bản báo giấy và báo điện tử cần phải trả phí để đọc, thì kênh Podcast của Campaign hoàn toàn miễn phí. Nếu như bạn đang là sinh viên theo học ngành Advertising và Marketing Communications hoặc quan tâm tới lĩnh vực này tại Anh, thì Campaign là nguồn tin tức không thể bỏ qua. Các tập Podcast hàng tuần của tạp chí Campaign sẽ thảo luận về những câu chuyện mới nhất và xu hướng lớn nhất trong thế giới quảng cáo, tiếp thị, truyền thông và công nghệ cũng như các video quảng cáo nổi bật trong tuần tại Anh.

4. LSE: Public lectures and events
London School of Economics and Political Science (LSE) được biết tới là một trường đại học công lập hàng đầu tại Anh, và nổi tiếng trên thế giới trong việc đào tạo thế hệ lãnh đạo cho các ngành Khoa học Xã hội. Hơn 125 năm kể từ ngày thành lập, những nghiên cứu từ trường LSE đã đóng góp đáng kể cho các chính sách toàn cầu trong các lĩnh vực xã hội, nghiên cứu phát triển, chính trị, kinh tế, luật, truyền thông và thương mại, nhân chủng học, … Series podcast này là chuỗi các buổi thảo luận và bài giảng công khai tại LSE, mang sứ mệnh là một kênh chia sẻ suy nghĩ, ý tưởng và các cuộc tranh luận sôi nổi từ một số nhà tư tưởng hàng đầu thế giới, giảng viên và những nghiên cứu sinh bậc Tiến sĩ,… của trường về các vấn đề Khoa học – Xã hội đang diễn ra trên toàn cầu. Tuy nhiên, mình cũng muốn lưu ý một chút, đây là một kênh Podcast hơi hướng học thuật với lượng lớn kiến thức nên hơi kén người nghe, chưa kể những bạn không nghe quen giọng Anh-Anh thì sẽ cảm thấy khó để theo hết một tập.

Đây là kênh Podcast mới ra mắt của Vietnam Startup Network in Europe (VSNE), với mục tiêu là trở thành một diễn đàn kết nối và chia sẻ trải nghiệm của những người trẻ Việt đang sống và làm việc tại nước ngoài. Tuy chỉ mới trình làng một tập, nhưng vẫn mình muốn đề cập trong bài viết này vì host của Podcast Vietsibility@Work là một cô bạn siêu giỏi của mình hiện đang sống và làm việc ở Đức. Theo chia sẻ hậu trường của bạn ấy, mỗi tập Podcast sẽ là một buổi “8-8-8” cùng với các khách mời làm việc trong những lĩnh vực khác nhau, nội dung xoay quanh 1001 câu chuyện cuộc sống công sở tại Châu Âu, kỹ năng cần thiết để sống sót trong môi trường đa quốc gia, cũng như kinh nghiệm trong cuộc chiến tìm việc làm tại Châu Âu,… Subscribe kênh và cùng mình chờ đón những tập Podcast kế tiếp của bạn ấy cùng VSNE nhé!

Điểm sơ qua thì đây là những kênh Podcast mình thường hay theo dõi. Nếu bạn là một “dân-chơi-hệ-nghe-Podcast” thì đừng ngại ngần comment bên dưới bài viết này để giới thiệu thêm cho mình những kênh Podcast mà bạn thích nghe nhé!
7 responses to “Nghe Podcast có gì hay?”
Cám ơn bài viết của bạn.
Mình nghĩ kênh Working Scientist của tạp chí Nature cũng rất hay, nội dung về các câu chuyện trong ngành nghiên cứu khoa học và cuộc đời của những nhà nghiên cứu.
LikeLiked by 1 person
Hehe, cám ơn bạn đã gợi ý, mình đã lưu lại kênh để nghe! Mấy hôm gần đây mình có theo dõi kênh thêm Science Weekly của tạp chí The Guardian, cũng nói về các chủ đề khoa học thường thức khá hay.
LikeLiked by 1 person
Hay quá, mình cũng add vào list của mình đây !
LikeLiked by 1 person
Tuyệt vời lắm bạn. Mình cũng hay nghe nhiều kênh ở đây, gần đây thì mình rất thích nghe Podcast :)))
LikeLike
Mình cám ơn bạn ☺️ nếu bạn có kênh podcast nào hay thì giới thiệu cho mình nữa nhé
LikeLike
Ngoài ra có kênh Oddly Normal cũng khá hay, dù có một vài nội dung hơi khoai nhưng em nghĩ khá thú vị và bổ ích ạ
LikeLiked by 1 person
Mai xin lỗi vì tới nay mới trả lời comment của bạn. Hôm trước mình có nghe Podcast Con Rồng Cháu Tiên của Oddly Normal thấy rất thích. Các bạn ấy ko chỉ đầu từ về nội dung mà còn chú ý tới các âm thanh trong làm Podcast nữa 😃
LikeLiked by 1 person