Hoàng Tử Bé – người lớn cảm nhận thế giới qua trái tim của trẻ thơ

Mình hay nghe podcast của Vietcetera được dẫn bởi chị MC Thuỳ Minh có tên là “Have A Sip”, trước khi mở đầu mỗi tập chị luôn hỏi khách mời chọn một cuốn sách để mang theo đọc nếu phải ở trên hoang đảo? Sau rất nhiều tập, mình nhận ra có 2 tuýp người: một là mang sách sinh tồn – tạm gọi đây là những người thực tế nhé, hai là những người chọn mang theo một cuốn tiểu thuyết hay sách triết học gì đó. Với tư cách là một khán thính giả quen thuộc, mình đã tự hỏi bản thân câu hỏi đó, và ở thời điểm hiện tại viết chiếc blog này mình chọn Hoàng Tử Bé – một cuốn sách dành cho những đứa trẻ con mộng mơ trong hình hài người lớn và đang trên hành trình khám phá thế giới.

Tựa gốc của Hoàng Tử Bé có tên là Le Petit Prince, được chấp bút bởi nhà văn và phi công người Pháp Antoine de Saint-Exupéry, ra mắt lần đầu tiên vào năm 1943 và từ đó trở thành tựa sách nổi tiếng nhất của ông. Điều đặc biệt mà Antoine đã mang tới cho người đọc không chỉ là nhân sinh quan thú vị mà chúng ta không thường hoặc đã bỏ qua việc nhìn thấy, mà xen kẽ giữa những trang sách là nhiều bức tranh minh hoạ do chính tác giả vẽ. Sau 3/4 thế kỷ đi qua, Hoàng Tử Bé đã được dịch sang hơn 250 ngôn ngữ (bao gồm cả tiếng địa phương) và hơn 200 triệu bản đã được bán ra trên khắp thế giới, khiến cuốn sách này trở thành một trong những tựa sách bán chạy nhất của mọi thời đại và một series truyện tranh 39 chương về Hoàng Tử Bé cũng đã được ra mắt.

Cảm hứng để viết cuốn sách Hoàng Tử Bé đến với Antoine khi chuyến bay của ông đi từ Paris tới Sài Gòn gặp tai nạn và rơi xuống sa mạc Sahara vào ngày 30/12/1935. Trên chuyến bay đó, Antoine và người bạn hoa tiêu của ông – André Prévot, đã cố gắng bay từ Paris tới Sài Gòn nhanh hơn những người đã từng bay trước đó để giành giải thưởng 150.000 franc. May mắn là cả hai người họ đều sống sót qua vụ tai nạn, tuy nhiên phải đối mặt với việc mất nước nhanh chóng và đói ở Sahara đã ít nhiều gây ra sự sợ hãi. Bản đồ mà họ có thì đã quá cũ và rất mờ mịt, do đó nó không có ích gì cho việc thoát ra khỏi sa mạc Sahara rộng lớn. Nho, táo và rượu là tất cả những thứ họ chuẩn bị cho chuyến bay chỉ giúp họ trụ vững được trong một ngày, nhưng sau đó không còn gì nữa. Cả hai người bắt đầu bị ảo giác do đói và thời tiết khắc nghiệt tại sa mạc Sahara. Giữa ngày thứ hai và ngày thứ ba, cơ thể họ đã bị mất nước rõ rệt và không đổ mồ hôi nữa. Cuối cùng, vào ngày thứ tư, một người du mục Ả Rập đã phát hiện ra họ và tìm các biện pháp chống lại sự mất nước để cứu sống hai người đàn ông này. Trong truyện Hoàng Tử Bé, Antoine bắt đầu bằng việc bị bỏ lại trên sa mạc trong một cái máy bay bị hỏng, và ông đã liên hệ thực tế chi tiết này với trải nghiệm kinh hoàng trong cuộc đời mình, và nó cũng được nhắc trong một tác phẩm khác của ông có tên là Cõi người ta (Terre des Hommes). Bên cạnh đó, trong 3 ngày trên sa mạc, Antoine đã nhìn thấy một con cáo sa mạc và có thể điều này là ý tưởng để ông phát triển một cuộc gặp gỡ gắn ngủi nhưng ý nghĩa giữa Hoàng Tử Bé và con cáo.

Có thể với nhiều người, Hoàng Tử Bé là một cuốn sách có quá nhiều sự mộng mơ, nhưng với mình thì bất kỳ ai khi bước vào thế giới của Hoàng Tử Bé đều có cách riêng để hiểu và cảm nhận, ở từng độ tuổi nhất định. Lần đầu tiên mình đọc nó là vào năm mình 16 tuổi, ở độ tuổi đó khả năng cảm nhận của mình chỉ có đủ để đi theo bước chân của Hoàng Tử Bé trên hành trình khám phá vũ trụ bên ngoài tiểu tinh cầu B612 của cậu. Nhưng năm tháng 19 tuổi, mình đã có thể bước lên tầng nghĩa đầu tiên mà tác giả lồng ghép trong những cuộc gặp gỡ và suy tư của Hoàng Tử Bé. Để đến bây giờ, sau gần 10 năm kể từ lần đầu tiên lật từng trang sách đó, mình đã có thể thẩm thấu mọi thứ diễn ra trong cuộc hành trình đó một lần nữa, một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn qua cách đối chiếu câu chuyện của cậu với những trải nghiệm sống mà mình có được. Ấy thế mà mình mới chọn mang theo cuốn sách này nếu nhỡ may có ngày phải sống trên hoang đảo không có thiết bị phát sóng giải trí ngoài các việc như: ăn, ngủ, nghỉ, vệ sinh cá nhân và ngắm nhìn thiên nhiên xung quanh. Và biết đâu mình cũng sẽ có cơ hội quen biết một người bạn mới từ trên trời rớt xuống như nhân duyên ngộ nghĩnh của Antoine và Hoàng Tử Bé, để rồi mở ra nhiều cánh cửa sổ nhìn ra cuộc sống hay ho mới mẻ.

Mình vốn dĩ vừa ghét nhưng cũng vừa háo hức mỗi khi tới ngày sinh nhật. Ghét vì phải thêm một tuổi, và phụ nữ thì chẳng ai thích việc tuổi tác của bản thân ngày một cao hơn. Háo hức vì mỗi lần lớn hơn một chút, thì mình sẽ có đủ sức để mở ra những cánh cửa mới với nhiều thách thức chờ đợi đằng trước như thể một gamer mỗi khi qua màn chơi mới vậy. Ở thế giới của người lớn, chúng ta sẽ bắt đầu nói nhiều hơn về những con số, con số giúp chúng ta ước lượng và đo lường được vật thể và sự vật.

Người lớn rất thích các con số. Khi bạn kể với họ về một người bạn mới, họ sẽ không bao giờ hỏi bạn điều cốt yếu. Họ không bao giờ hỏi: “Giọng anh ta nghe thế nào? Anh ta thích chơi trò gì? Anh ta có sưu tầm bươm bướm không?” Mà họ sẽ hỏi: “Anh ta bao nhiêu tuổi? Anh ta có mấy anh em? Anh ta bao nhiêu cân? Bố anh ta thu nhập bao nhiêu?” Chỉ thế thôi họ nghĩ là đã đủ hiểu người ta rồi. Nếu bạn kể với những người lớn: “Tôi nhìn thấy một cái nhà đẹp lắm xây bằng gạch đỏ, có hoa phong lữ đặt trên bậu cửa sổ, và chim bồ câu đậu trên mái nhà…” thì họ sẽ không tài nào hình dung được ngôi nhà đó. Cần phải bảo họ: “Tôi nhìn thấy một ngôi nhà 10 vạn franc”. Thế là họ sẽ thốt lên: “Ôi, đẹp thế!”

Nhờ vào việc phong toả toàn quốc dài hạn tại Anh, mà mình đã có cơ hội tìm ra nhân cách mới trong bản thân là bác làm vườn. Mỗi sáng, sau khi vệ sinh cá nhân xong, mình sẽ liền mở cửa ra vườn tưới tắm cho cây hoa cẩm tú cầu và cây hoa hồng thân yêu cao hai mét, cũng như cái đám rau thơm mà rảnh quá đã mua ở siêu thị về trồng. Và mình đồng tình với Hoàng Tử bé rằng:

…trên tất cả hành tinh khác, có cả cây xấu lẫn cây tốt. Thành thử mới có hạt giống tốt của cây tốt và hạt giống xấu của cây xấu. Nhưng các hạt giống thì chẳng nhìn thấy được. Chúng ngủ trong lòng đất bí ẩn cho đến khi bất chợt một trong số chúng hứng khởi muốn tỉnh dậy. Vậy là nó vươn vai và thoạt đầu chỉ rụt rè nhú lên một cái đọt nhỏ vui tươi vô hại hướng về phía mặt trời. Nếu nó là một mầm củ cải hoặc là một mầm hoa hồng thì ta cứ mặc nó mọc thế nào tuỳ ý. Nhưng nếu đó là một cây xấu thì phải nhổ đi tức khắc, ngay khi nào nhận dạng được nó… nếu lưu tâm quá muộn, ta sẽ không bao giờ tống cổ nó đi được. Nó bành trướng ra hết cả hành tinh. Nó còn đâm rễ cho thủng luôn hành tinh.

Một lần trên chuyến đi từ Đà Lạt về Sài Gòn, chị bạn thân thiết của mình đã hỏi mình thích bình minh hay hoàng hôn hơn, mình cũng lưỡng lự một lúc rồi trả lời rằng mình thích cả hai. Vì ngắm nhìn một ngày mới đến cũng rất tuyệt với tràn đầy năng lượng, nhưng khoảnh khắc 30 phút ngắn ngủi thở phào khi một ngày dài dần kết thúc mang lại rất nhiều sự dễ chịu. Nhưng có lẽ 25 năm sống trên đời, thì hoàng hôn đẹp nhất mà mình từng trải qua là ở ngoài sa mạc.

Ôi! Hoàng tử bé, vậy là dần dần tôi đã hiểu được cuộc đời bé bỏng phiền muộn của em. Bấy lâu nay em chỉ có cách giải trí duy nhất là ngắm những cảnh mặt trời lặn êm dịu…

“Có một ngày tôi đã ngắm mặt trời lặn bốn mươi bốn lần!” Và một lúc sau em nói thêm: “Ông biết đấy … khi mình buồn quá thì mình sẽ thích ngắm mặt trời lặn …”

“Cái ngày bốn mươi bốn lần ngắm ấy, hẳn là cậu phải buồn lắm?” Tôi hỏi nhưng hoàng tử bé không trả lời

Hoa hồng càng đẹp, gai càng to và càng nhọn. Đã không biết bao lần tay mình chảy máu vì đứng lui cui cắt tỉa cái cây hồng cao hai mét ở trong vườn nhà cũ bên Anh. Vậy nên cũng có lúc mình tự đặt câu hỏi, gai để làm gì mới được chứ?

“Gai ấy à, chẳng để làm gì sất, đấy là sự ác ý thuần tuý của lũ hoa mà thôi!”

“Ồ!” Thế nhưng sau một hồi im lặng, cậu thốt ra, với giọng trách móc: “Tôi không tin ông đâu! Tụi hoa yếu ớt lắm. Chúng nó ngây thơ mà. Chúng làm đủ cách để bản thân được yên tâm. Chúng tự cho là mình ghê gớm khi có gai…”

“Nếu ai đó thương một bông hoa mà bông hoa ấy lại là duy nhất trên triệu cả ức những vì sao, thì chỉ cần nhìn ngắm những vì sao thôi đã đủ để người ấy thấy mình hạnh phúc. Người ấy tự nhủ: “Bông hoa của ta đang ở đâu đó trên kia …” Nhưng nếu một con cừu ăn mất bông hoa thì với người ấy, điều đó khác nào đột nhiên tất cả các vì sao đều tắt ngấm!

Trải qua dăm ba câu chuyện, mình nhận ra rằng bất kỳ ai cũng có khuyết điểm và mắc lỗi, nhưng sau mỗi một lần sai đó, điều quan trọng không phải là đổ lỗi hay tìm ra người đúng kẻ sai; bởi vì, tiên trách kỷ, hậu trách nhân.

Thế thì khanh cứ phán xử chính bản thân ấy, ông vua đáp lời. Đấy là việc khó nhất. Phán xử chính bản thân mình bao giờ cũng khó hơn nhiều so với phán xử người khác.

Trong thế giới của người lớn, chúng ta phải cố thu lấy những thứ chưa thuộc quyền sở hữu của ai, nhưng liệu có chắc rằng những vật thể ta đang sở hữu đó được sử dụng và quản lý một cách đúng đắn.

Tôi sở hữu một bông hoa mà ngày nào tôi cũng tưới. Tôi sở hữu ba quả núi lửa mà tuần nào tôi cũng nạo vét. Bởi vì tôi nạo vét cả quả núi đã tắt. Ai mà học được chữ ngờ chứ. Mấy ngọn núi lửa của tôi được lợi, và bông hoa của tôi được lợi, chính là nhờ có tôi sở hữu chúng.

Cái ông đó hẳn sẽ bị coi khinh trong mắt tất cả những người khác, nào là ông vua, nào là ông hợp hĩnh, nào là ông nát rượu, nào là ông nhà buôn. Thế nhưng với mình thì chỉ có ông ấy mới không lố bịch. Điều đó hẳn là bởi ông ấy lo nghĩ cho một điều gì khác ngoài bản thân mình. Ông ấy là người duy nhất đáng để cho mình kết bạn. Nhưng hành tinh của ông ấy nhỏ quá đi mất. Chẳng đủ chỗ cho hai người …

Nếu đã từng đi qua những năm tháng yêu thương một ai đó, sẽ hiểu được rằng việc mở trái tim mình ra để trao đổi niềm vui và hạnh phúc với một người khác cũng đồng nghĩa với việc đồng ý sẻ chia đau khổ và gánh nặng với người mình yêu. Nó sẽ không còn đơn thuần là tình yêu nữa, mà là sự gắn kết giữa các cá thể với nhau. Nhưng nếu một ngày kết nối đó có nhiều gánh nặng hơn là tình yêu thương và sự thấu hiểu, câu chuyện sẽ như thế nào?

dù toàn tâm toàn ý trong tình yêu của mình, hoàng tử bé cũng nhanh chóng đâm ra nghi ngờ cô nàng. Cậu đã xem những lời vô thưởng vô phạt kia thật sự là hệ trọng, và cậu đã rất đau khổ.

“Bấy giờ tôi có biết cách thấu hiểu gì đâu! Đáng lẽ tôi phải xét đoán từ hành động chứ không phải từ lời nói. Cô nàng toả hương cho tôi, toả sáng cho tôi. Lẽ ra tôi phải đoán được tính nết dịu dàng của cô nàng đằng sau những mưu mẹo tội nghiệp kia. Những bông hoa mới bất nhất làm sao! Còn tôi thì quá trẻ để mà biết cách yêu nàng.”

Và rồi một trong hai đầu của sự kết nối đó sẽ tìm cách trốn chạy khỏi những gánh nặng và áp lực của mối quan hệ tình cảm này …

Tôi tin rằng cậu đã nhân chuyến di trú của đàn chim trời để làm cuộc trốn chạy. Vào buổi sáng ngày khởi hành, cậu đã sắp dọn hành tinh thật ngăn nắp.

Cậu tưởng mình chẳng bao giờ cần trở về nữa. Thế nhưng tất thảy những việc làm quen thuộc này, vào sáng hôm ấy, đối với cậu lại cực kỳ dịu ngọt. Rồi, khi cậu tưới cho bông hoa một lần cuối, và chuẩn bị che chắn nó dưới lồng kính, cậu bỗng dưng muốn khóc.

“Em thật ngốc, cuối cùng cô nàng nói với cậu. Em xin lỗi chàng. Hãy cố hạnh phúc nhé.”

Cậu ngạc nhiên vì không nghe thấy những lời trách móc. Cậu cứ đứng đó chưng hửng, lồng kính giơ lên ở giữa chừng. Cậu không hiểu được sự êm ái dịu ngọt này.

“Thật đấy, em yêu chàng. Chàng không hay biết gì, là do lỗi ở em. Điều đó cũng chẳng quan trọng gì. Mà chàng thì cũng ngốc nghếch hệt như em. Hãy cố hạnh phúc nhé … Thôi đừng lần khần nữa, khó chịu lắm. Chàng đã quyết ra đi rồi mà. Hãy đi đi”

Bởi lẽ nàng không muốn cậu nhìn thấy nàng khóc. Đó là một bông hoa rất mực kiêu hãnh.

Ohm, khoan nói tiếp câu chuyện sau khi một kết nối đứt gãy nhé, chúng mình cùng nhau quay lại câu chuyện khởi nguồn của mọi sự gắn kết giữa một cá thể này với một cá thể khác, đó là “Thuần hoá” và “Tạo mối ràng buộc”.

Đối với tớ bây giờ, cậu vẫn chỉ là một cậu bé như trăm nghìn cậu bé khác. Và tớ chẳng cần gì cậu. Và cậu cũng chẳng cần gì tớ. Đối với cậu tớ chỉ là một con cáo như trăm nghìn con cáo khác. Thế nhưng, nếu cậu thuần hoá tớ thì hai chúng ta người này liền cần đến kẻ kia. Với tớ cậu sẽ là duy nhất trên đời. Với cậu tớ sẽ là duy nhất trên đời …

Đời tớ rất là buồn tẻ. Tớ đi săn gà, con người lại săn tớ. Gà thì con nào cũng giống con nào, còn người thì ai cũng giống ai. Vì thế tớ mới thấy hơi chán, Nhưng nếu cậu thuần hoá tớ, đời tớ sẽ như thể được mặt trời toả nắng. Tớ sẽ quen với tiếng một bước chân khác hẳn với những bước chân khác. Những bước khác khiến tớ cuống cuồng rúc xuống dưới đất. Tiếng bước chân của cậu sẽ gọi tớ ra khỏi hang, tựa như tiếng nhạc. Với cả hãy nhìn xem! Cậu thấy ở đằng kia không, cánh đồng lúa mì đó? Tớ chẳng ăn bánh mì. Lúa mì với tớ thật vô dụng. Cánh đồng lúa mì chả khiến cho tớ nhớ về điều gì hết. Và cái đó buồn kinh! Nhưng cậu lại có mái tóc màu vàng. Thế nên sẽ thật tuyệt vời khi mà cậu thuần hoá tớ! Lúa mì, vốn dĩ vàng óng, sẽ khiến tớ nhớ tới cậu. Và tớ sẽ yêu tiếng gió thổi trên đồng lúa mì…”

Con cáo im bặt và nhìn hoàng tử bé rất lâu:

“Cậu làm ơn … hãy thuần hoá tớ!” nó nói.

– Tôi muốn lắm nhưng tôi chẳng có nhiều thời gian. Tôi còn những người bạn cần phải làm quen và rất nhiều sự việc cần phải hiểu rõ.

Người ta chỉ hiểu những thứ mà người ta thuần hoá thôi. Nếu cậu muốn có một người bạn, thì hãy thuần hoá tớ

Phải hết sức nhẫn nại. Đầu tiên cậu phải ngồi cách xa tớ một chút, như thế, trên bãi cỏ ấy. Tớ sẽ liếc nhìn cậu và cậu không nói gì hết. Ngôn ngữ là nguồn gốc gây ra mọi hiểu lầm. Nhưng mỗi ngày cậu có thể ngồi xích lại một chút…

Sẽ tốt hơn nếu cậu trở lại vào cùng một giờ ấy. Ví dụ nhé, nếu cậu đến vào lúc bốn giờ chiều, thì từ ba giờ tớ đã bắt đầu vui sướng rồi. Thì giờ càng trôi đi, tớ càng cảm thấy vui sướng hơn. Tới lúc bốn giờ, tớ đã bồn chồn và lo lắng rồi: tớ sẽ hiểu được cái giá của hạnh phúc! Nhưng nếu cậu đến vào bất kỳ lúc nào, tớ sẽ chẳng bao giờ biết khi nào thì nên sửa soạn cho trái tim của tớ …

Những câu chuyện ở nơi Hoàng Tử Bé đi qua, những cuộc hội thoại giữa cậu và những người bạn mới gặp chẳng phải trông khá quen quen sao. Đó đều là những thứ dung dị mà ta thấy thường nhật, nhưng lại lãng quên hơi nhiều cách nhìn nhận vấn đề và phản ứng đúng mực. Mỗi một trang sách được lật lại, mình lại vỡ ra đôi điều mà bản thân đã vô tình bỏ qua. Như câu nói: “Outsider always sees things clearly” – tạm dịch: Người đứng ngoài luôn nhìn thấy vấn đề một cách rõ ràng hơn, vậy nên mình cũng vừa vỡ ra một điều: Khi ngập ngụa trong quá nhiều luồng suy nghĩ, hãy bước ra ngoài và nhìn vào lại vấn đề của chính mình để nhìn nhận mọi thứ tốt hơn.

Hoàng Tử Bé là cuốn sách mà mình tin rằng nó truyền tới rất nhiều thông điệp tích cực, giúp chúng ta nhìn nhận vấn đề theo cách của một người đứng bên ngoài câu chuyện từ đó rút ra cho bản thân những bài học riêng. Và cái cách mà tác giả đã trình bày xuyên suốt cuốn sách, tạo cho người đọc cảm giác đây là một tác phẩm thiếu nhi, nhưng mình xin phép được gọi đây là cuốn sách mà người lớn nên đọc để cảm nhận lại thế giới qua trái tim trẻ thơ nhé!

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Create a website or blog at WordPress.com

%d bloggers like this: