Đây là bài viết đầu tiên trong chuỗi hành trình 6 ngày 5 đêm khám phá đất nước Morocco (hay còn gọi là Ma-rốc) nằm ở phía bắc Châu Phi. Điểm đến đầu tiên của mình ở Morocco là Marrakech, một trong số 4 thành phố lớn nhất của Morocco. Trước đây, nơi này được mệnh danh là thành phố đỏ (The Red City) vì tất cả những ngôi nhà đều được bao bọc bởi cùng một lớp sơn màu đỏ cam đặc trưng. Nhưng vài năm trở lại đây, người ta gọi Marrakech bằng một biệt danh nữa đó là thành phố của những khu vườn (The City of Gardens), bởi thành phố này sở hữu bên trong nó vô số những khu vườn lớn – nhỏ mướt xanh.
Vì đã quá mê mẩn với những bài viết về đất nước đầy sắc màu này của chị Rosie tác giả của trang blog du lịch nổi tiếng @thelondoner, khiến mình luôn mong ước được một lần chạm tới vùng đất huyền thoại này của lục địa đen. Trải qua gần một tuần lễ ở đây, mình nhận ra rằng điểm thu hút lớn nhất của Morocco đến từ sự giao thoa giữa các nền văn hoá lớn trên thế giới, từ Châu Phi, Châu Âu cho đến vùng Tây Á, và điều đó được thể hiện rất rõ qua kiến trúc, ẩm thực và lối sống của người dân nơi đây.
Khởi hành từ sân bay Gatwick (London) tới Marrakech vào lúc 7.40 sáng của một ngày cuối tháng 2, sau chuyến bay dài hơn 3 tiếng đồng hồ, mình đã đặt chân tới sân bay Marrakech Menara Airport. Ấn tượng đầu tiên của mình là sân bay (và ga tàu) ở Marrakech có kiến trúc rất đẹp và hoành tráng. Chẳng may đi du lịch vô tình trúng vào mùa dịch Covid-19 nên quá trình nhập cảnh vào Morocco cũng chặt chẽ hơn bình thường. Khi vừa xuống sân bay thì tất cả các du khách được yêu cầu điền tờ khai thông tin cá nhân và chuyến bay, cũng như để kiểm tra xem trong 16 ngày gần đây có nhập cảnh/ quá cảnh tại sân bay Trung Quốc, nếu như có dấu hiệu bị cảm sốt cũng phải được báo cáo đầy đủ. Sau khi điền xong tờ khai thì mình được hướng dẫn đi xuống sảnh để xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh, tiếp đó là đi qua máy kiểm tra thân nhiệt và hành lý rồi mới được ra khỏi sân bay.

Một số những điều bạn cần làm sau khi nhập cảnh thành công vào Morocco là đi mua sim điện thoại, đổi tiền và liên lạc với chủ khách sạn hoặc nơi bạn ở để hỏi về cách thức di chuyển.
- Đổi tiền:
Theo như kinh nghiệm mà mình đúc kết được thì nên mang theo sẵn tiền mặt (mình đã rút trước £100 tại sân bay Gatwick) và sau đó đổi tại quầy Global Exchange ở sân bay Marrakech để tiết kiệm được khoảng 50 Moroccan Dirham (MAD) tiền phí khi đổi trực tiếp tại quầy bằng thẻ Debit/ Credit. Tỉ giá hôm mình tới là £1 tương đương với 12.221 MAD, và €1 tương đương với 10.610 MAD.

- Mua sim điện thoại Morocco:
Lý do mà du khách khi tới Morocco phải lấy sim điện thoại và mua gói Internet là vì tiền cước roaming ở đây rất là đắt. Ví như mình dùng sim điện thoại của nhà mạng Three, khi sang Morocco được báo phí roaming là £6/MB khi sử dụng Internet, £3/ phút gọi đi, và £1.25/ phút khi nhận cuộc gọi. Tại sân bay Marrakech, bạn sẽ có hai sự lựa chọn từ hai nhà mạng Inwi và Orange. Nhà mạng Inwi cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao (theo như quảng cáo thì đây có mạng 4G tốt nhất ở Morocco) với một gói data duy nhất là 40GB với giá €40, trong khi booth kế bên của nhà mạng Orange thì giá một chiếc sim Internet 4G với dung lượng 10GB là 100 MAD (đơn vị tiền tệ của nước Morocco được gọi là Moroccan Dirham viết tắt là MAD, €1 sẽ tương ứng với khoảng 10.6 MAD). Nhìn chung thì không có nhiều chênh lệch. Do mình chỉ ở Morocco có 6 ngày nên gói dịch vụ của Orange phù hợp với nhu cầu sử dụng cá nhân hơn. Tuy nhiên sau 6 ngày sử dụng mạng Internet của Orange, thì dù mình có lên núi cao hay xuống biển thì mạng Internet vẫn luôn căng đét, không sợ bị mất kết nối với nhân loại.
- Di Chuyển bằng Taxi và Bus tại thành phố Marrakech:
Sau khi đã ra khỏi sân bay thì mình cần tìm taxi để đi về nhà đã đặt thông qua ứng dụng Airbnb. Có một lưu ý nhỏ cho những bạn lần đầu đặt chân tới sân bay Marrakech là hãy cẩn thận với cò taxi. Lúc mình vừa ra khỏi cửa sân bay, còn đang lơ ngơ nhìn Google Map để tìm chỗ đón xe taxi vì ở sân bay không có bảng chỉ dẫn chỗ đón xe, thì có một bạn trai tầm 18-20 tuổi mặc đồ lịch sự trước ngực đeo bảng có chữ TAXI đứng ngay ở cửa ra của sân bay lại hỏi mình có đi taxi không để bạn ấy giúp đưa ra bãi đón. Nhìn ngoại hình và cách ăn mặc khá đáng tin nên mình lúc đó chỉ đơn thuần nghĩ bạn ấy là nhân viên của hãng taxi thôi. Tới lúc ra tới bãi taxi thì mới té ra nó chỉ ở ngay cách cửa sân bay có 2 phút đi bộ, sau khi thả mình cho mấy ông chú taxi bạn ấy liền hỏi xin mình tiền tip dẫn đường. Dù chỉ mất cho bạn ấy có £1 (vì không có tiền xu lẻ MAD), nhưng nó nhắc nhở mình phải cẩn thận với người lạ hơn trong suốt chuyến hành trình này. Trước khi sang đây thì chị bạn của mình (cũng vừa mới đi Morocco hồi tháng 1) có dặn là phải cẩn thận với những người giúp chỉ đường, vì nhiều người dân ở đây lợi dụng sự sơ hở và mất phương hướng của khách du lịch để kiếm tiền.
Vậy nên đi du lịch Morocco không dễ như ăn bánh đâu, nhất là khoảng đi lại, taxi ở đây chặt chém khách du lịch kinh hoàng lắm, trong khi bus thì chỉ có dân bản địa mới biết chỗ đón vì không có bất kỳ bảng báo hiệu nào. Nhà mình đặt trên Airbnb, nằm ở khu đô thị mới (New Town) của thành phố Marrakech, cách sân bay khoảng 23 phút đi bằng xe taxi, và để tránh bị hớ thì mình đã nhắn tin hỏi bạn chủ nhà Airbnb về cách thức di chuyển cũng như giá cả, bạn ấy gợi ý cho mình 2 loại phương tiện di chuyển trong đó có xe bus với giá 4 MAD/ người/ lượt đi và taxi là 100-150 MAD/ lượt đi/ tối đa 3 người một xe. Đa số những tài xế taxi ở đây không nói tiếng Anh, một số sẽ nói tiếng Pháp hoặc tiếng Tây Ban Nha, nên để tránh bị nhầm lẫn thì chủ nhà ở đây sẽ ghi chú rằng địa chỉ gần một toà nhà, trường học hay tiệm thuốc tây, … Mình thì đưa tin nhắn của bạn chủ nhà gửi cho tài xế xem kèm bản đồ đánh dấu từ sân bay tới địa chỉ nhà trên Google Map, lúc đầu mình hỏi giá thì họ bảo 200MAD, sau đó mình đã trả giá xuống 150MAD kèm tin nhắn của bạn chủ nhà, thì chú tài xế mới đồng ý. Trong khoảng thời gian ở đây, bạn host của mình dặn dò là nếu đi taxi thì chỉ đi những xe có bật máy đo kilometer, thường thì các tài xế sẽ cất máy đi hoặc tắt luôn và thay vào đó là báo với du khách một giá khác cao hơn nhiều so với thực tế. Còn nếu đi bus nhưng không tìm được trạm đón xe thì nhắn tin WhatsApp cho bạn ấy liền để được trợ giúp.
- Ăn ngủ nghỉ tại Marrakech:
Trong suốt 3 ngày ở Marrakech, mình lưu trú tại Private Suite Villa With Garden ❤ Free Breakfast ❤, chủ của căn nhà này là Ayoub – một bạn nam người bản địa cực kỳ dễ thương và luôn nhiệt tình hỗ trợ khi mình có bất kỳ thắc mắc gì về Marrakech hay Morocco, khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của bạn ấy cũng khá tốt nên cứ khi nào tụi mình cần gì là có Ayoub đây.
Lúc bắt đầu lên kế hoạch cho chuyến đi Morocco, mình cũng mê đắm lắm những căn Riad xinh lung linh như cung điện của người Moroccan nằm trong khu phố cổ, nhưng sau khi xem hết các căn nhà và review trên Airbnb và Booking.com thì mình quyết định chọn đặt phòng ở nhà bạn Ayoub. Chỗ ở của bạn ấy là một biệt thự sân vườn mới xây cách đây vài năm nên rất tinh tươm và sạch sẽ, không gian rộng rãi và mát mẻ với 3 gian phòng khách to, và chỉ duy nhất 1 phòng dùng để cho thuê trên Airbnb thôi nên cực kỳ thoải mái. Phòng ngủ có cửa sổ hướng ra góc vườn có một cái lều kiểu Moroccan rất xinh xắn để thỉnh thoảng ra đó ngồi ăn bánh uống trà thư giãn. Phòng tắm và nhà vệ sinh riêng, không phải dùng chung với mọi người trong nhà.
Ngày nào mình ở đây cũng được Ayoub chu đáo chuẩn bị bữa sáng đầy đủ chất dinh dưỡng, với toàn những món ăn thức uống đặc trưng hằng ngày của người Moroccan. Sáng ngủ dậy là đã có một mâm nào là bánh mỳ nóng hổi ăn kèm với bơ đậu phộng mật ong, olive tươi rói được ướp với các loại lá thảo mộc, trà bạc hà và cà phê đặc sản ở Morocco. Nhà Ayoub thì rộng lắm nên ngồi trong nhà hay ra vườn đều thoải mái, nếu ngồi ăn sáng ở vườn nghe chim hót ríu rít thú phải biết đó!!! Thiệt sự mình không có quảng cáo lố đâu, vì đọc review của những bạn khách từng được Ayoub host thì ai cũng đều công nhận tài nấu nướng của bạn ấy cả, thậm chí mấy ngày sau mình đi sang thành phố khác rồi nhưng vẫn nhớ mấy bữa ăn sáng ăn ở nhà Ayoub.
Nếu đã tới du lịch đất nước Morocco, đặc biệt là thành phố Marrakech thì chắc chắn bạn không được bỏ lỡ các thứ sau đây:
- Trà bạc hà đặc sản Morocco:
Trà bạc hà là thức uống cực kỳ phổ biến ở Morocco, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp người dân nơi đây uống trà từ quán vỉa hè cho tới những nhà hàng fine-dining sang trọng, từ sa mạc cho tới cao nguyên. Có thể miêu tả nôm na rằng đi bất kỳ ngóc ngách nào ở Morocco, đều luôn có sẵn trà bạc hà cho bạn. Giống như bất kỳ một dân tộc “mê trà” như Việt Nam hay Ăng-lê, pha trà để đãi khách tới chơi nhà là cách người Ma-rốc dùng để bày tỏ lòng hiếu khách của chủ nhà.
Có một điều thú vị là khi rót trà, người Moroccan sẽ dơ cao ấm trà để tạo một lớp bọt dày trong ly trà, theo như Ayoub giải thích thì lớp bọt đó có tác dụng để ngăn cản cát và bụi bẩn rơi vào trong ly trà, vì ở Morocco gần sa mạc và khí hậu khô nóng nên không thể tránh khỏi những cơn gió từ sa mạc cuốn theo cát hay bụi bẩn vào trong không khí.
- Khám phá khu chợ nổi tiếng Jama El f’na của thành phố Marrakech và ẩm thực đường phố:
Đây là một khu nằm trong phố cổ Medina (Old Town) của thành phố Marrakech, từng được UNESCO ghi nhận là “Masterpiece of World Heritage” vào năm 2001, bởi vì tính văn hoá và giá trị lịch sử của nó. Dù là ngày hay đêm thì nơi đây đều nhộn nhịp người bán kẻ mua, những sạp bán nước cam cho tới vẽ nghệ thuật henna, hay những hoạt biểu diễn nghệ thuật đường phố, …
Theo cảm nhận cá nhân mình – một đứa sống ở trong chợ từ bé và đã đi rất nhiều chợ ở Việt Nam, đồ thủ công mỹ nghệ trong chợ này không có gì đặc sắc, vì đối tượng khách hàng phần lớn là dân du lịch, nên giá cả khó lường lắm. Theo kinh nghiệm của mình là mua gì cũng phải trả xuống chừng một nửa trước, còn nếu bạn nào có kỹ năng trả giá ở mức siêu đẳng thì có thể mua được món hàng yêu thích với giá chỉ bằng một phần ba mức giá ban đầu mà người bán đã đưa ra. Ngoại trừ các sản phẩm bằng da và lông động vật ra, thì nhiều món bán ở đây trông không khác lắm ở chợ Bến Thành hay chợ An Đông trong Sài Gòn, nên nhìn chung mình chẳng mua gì ngoài hai miếng lót ly trà vì thấy hoạ tiết hoa văn đẹp quá (dĩ nhiên là mình mua chúng với giá chỉ 1 nửa so với giá ban đầu rồi).
Một trong những lý do đưa đẩy mình tới Morocco đó là để ăn đồ ăn nơi đây, có một lần vô tình coi vlog của anh “hoàng tử sơn ca” Quang Vinh đi ăn món Gà hầm Olives ở Morocco ngon quá làm mình cũng muốn được thử một lần xem có ngon thiệt như anh ấy khen không.
Vậy nên việc đầu tiên mà mình làm khi tới chợ Jama El f’na ở Marrakech là đi ăn đồ Morocco. Quán ăn đầu tiên của mình ở thành phố màu đỏ là Henna Art Cafe – theo như quảng cáo thì quán được highly recommended bởi tờ báo nổi tiếng The Guardian (thiệt ra mình chỉ search đại trên google thôi vì lúc đó đói quá, tới nơi mới biết nó là hidden gem trong khu chợ này). Henna Art Cafe được đồng sáng lập bởi nghệ sĩ người Mỹ – Lori K. Gordon và một người du mục bản địa – Rachid Karkouch, mở cửa hoạt động từ năm 2014.
Quán cafe này bao gồm có 2 tầng. Tầng thứ 1 là khu vực vẽ Henna của các nghệ nhận và bán đồ thủ công mỹ nghệ được chế tác bởi người dân bản địa. Khu vực trên tầng thượng dùng để phục vụ ăn uống. Giá đồ ăn ở đây ở mức trung bình so với các nhà hàng trong chợ Jama El f’na. Không gian quán sạch sẽ, tuy nhỏ nhắn nhưng do nằm trên tầng thượng nên thoáng đãng. Sử dụng các nguyên liệu tươi mới nên chất lượng đồ ăn ở đây khá ngon có thể chấm 7-7.5/10 (theo khẩu vị của mình).
Theo như giới thiệu trong menu thì món Chicken Tangia Couscous là đặc sản của quán nên mình đã gọi ăn cho biết, đúng là cũng ngon thiệt phần thịt gà được xé ra ướp cùng bột nghệ và các gia vị đặc trưng của người Ma-rốc hấp cùng với cà rốt và củ cải trắng, mềm vừa đủ không bị quá nát và cực kỳ dễ ăn. Couscous là hạt lúa mì xay nhỏ được hấp lên cùng thịt và các loại rau củ, ăn khá là hay như ăn cơm tấm kiểu Ma-rốc vậy. Bên cạnh đó, mình còn gọi thêm 2 món main khác là Meatball Couscous và Beef Kefta Tajine. Nói về Tajine thì đây là món đặc sản của người Ma-rốc, được nấu trong một cái đế gạch nung có nắp đậy hình chiếc nón, tajine thường có các loại bò, gà, cừu, dê, thỏ, hải sản, … hầm cùng với các loại rau củ như carrot, khoai tây, dưa leo, olives, … Tuy sử dụng một số nguyên liệu giống đồ ăn của đạo Hồi và Châu Phi nhưng cách nêm nếm đồ ăn của người Ma-rốc cực kỳ tinh tế không bị quá nồng hay nhiều dầu mỡ. Tajine của quán Henna Art Cafe hơi khác với kiểu tajine truyền thống đó là hầm bò viên cùng sốt cà chua và trứng, hơi hướng giống món trứng chiên sốt cà chua của người Berber (du mục) trên vùng cao nguyên Morocco (cái này thì do mấy ngày sau mình đi lên vùng Chefchaouen được ăn món cà chua trứng kiểu dân du mục thì mới nhận ra sự tương đồng). Còn lại là món Meatball Couscous thì là sự kết hợp giữa món Tajine Beef Kefta với Couscous thôi, nhưng một lần nữa phải khen phần sốt cà chua của quán được nấu rất ngon.
Phong cách ẩm thực của người Ma-rốc bị ảnh hưởng nhiều từ người Pháp, nên lúc nào trên bàn ăn cũng có sẵn bánh mỳ và dầu olive. Bánh mỳ thì tuỳ chỗ phục vụ loại bánh mỳ chất lượng mềm-xốp-thơm lừng mùi bơ, còn những chỗ bình dân thì thường chỉ có bánh mỳ nguội dai nhách. Vì sát với vùng Địa Trung Hải nên olives là món phổ biến không kém gì bánh mỳ ở Ma-rốc. Nhưng khác với bánh mỳ có chỗ ngon chỗ không ngon, tất cả những quán mình ăn ở Morocco có phục vụ olives đều ngon tuyệt đỉnh, ăn đứt hết tất cả những loại olives mình từng ăn ở Anh luôn.

Sau khi đã ăn no nê ở quán Henna Cafe thì mình đi dạo một vòng khu chợ rồi đi ra quảng trường mua nước trái cây và ăn ốc.
Món ốc sên luộc của người Moroccan thì dĩ nhiên không thể so bì được với món ốc ở Sài Gòn đâu, nhưng vì được nấu cùng với 15 cho tới 20 loại thảo mộc nên cực kỳ tốt cho sức khoẻ. Món này có tác dụng chính là để hỗ trợ tiêu hoá, nên sau một ngày ăn uống linh tinh ở chợ thì bạn có thể kết lại bằng việc đi lễ ốc để tối về không sợ bác Tào Tháo dí.
Ngoài các món kể trên ra thì bạn nhất định không được bỏ qua việc thưởng thức nước trái cây ở Marrakech đâu, đặc biệt là nước cam. Morocco đích thị là xứ cam rồi vì cam ở khắp mọi nơi, tới độ mỗi sáng mình ngủ dậy hít hà trong không khí có mùi hoa cam (chắc tại xung quanh nhà Ayoub trồng nhiều cam quá cũng nên). Dù thành phố nào mình đi qua cũng đều có nước cam, nhưng nước cam ở Marrakech là đỉnh của đỉnh, không quá chua không quá ngọt và cực kỳ thanh mát, không thể phủ nhận rằng từ bé tới lớn nước cam ngon nhất mình được uống là ở Marrakech. Mặc dù nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy mỗi ngày chỉ được uống một ly nước cam thôi nhưng ở Marrakech mình có thể uống được hơn 5 ly nước cam một ngày mà không ngán. Như trong hình thì là ly cỡ nhỏ giá là 10 MAD, ly to hơn thì có giá 20 MAD.
Thế là kết thúc một ngày đầu tiên mình đặt chân tới xứ Ma-rốc, hành trình này vẫn sẽ còn tiếp tục với nhiều điều hay ho khác. Hẹn các bạn ở những bài kế tiếp về đất nước Morocco xinh đẹp này nhé!