Mình vốn là người bị say cà phê, cứ mỗi lần uống cà phê thì tim hay đập nhanh rồi chóng mặt, vậy nên từ bé tới giờ chỉ tiếp nhận caffein qua con đường duy nhất là uống trà. Nhớ hồi còn nhỏ mỗi khi nhà có khách, người lớn trong nhà dúi vào tay 5 ngàn rồi bảo chạy ra chợ mua ít lá trà tươi về nấu đặng còn đãi khách tới chơi. Lúc còn nhỏ ngoài những lá trà xanh tươi mua ngoài chợ, thì mình chỉ biết có dăm ba loại trà khô như là trà thanh nhiệt, trà thái nguyên hay trà atiso ba mẹ để sẵn trong tủ bếp, lớn thêm chút nữa vào Đại Học có tiền để ăn quà vặt thì mới có cơ hội tiếp cận loại trà sữa đào Cozy bán bên hông Nhà Hát Thành Phố hay Hồ Con Rùa, và trà Phúc Long này kia. Ôm cái kiến thức hạn hẹp về trà đó mình đi du học Anh – một đất nước nổi tiếng tiêu thụ trà nhiều nhất trên Thế Giới, mà đâu có biết cái duyên của mình với những lá trà lại suốt những năm tháng sau này ở Anh.
Thiệt ra thì mối quan hệ của mình với trà mới bắt đầu nghiêm túc từ hơn nửa năm trở lại đây nhờ vào việc đi thực tập trong một công ty trà ở London. Dù mình thì trí nhớ cá vàng nhưng lại rất thích đọc cái này cái kia nên mấy lúc rảnh thì lấy sách ở văn phòng ra đọc, nhờ vậy mình mới biết nước Anh tuy là một trong 3 đất nước tiêu thụ trà nhiều nhất thế giới, nhưng người Anh không phải là dân tộc đầu tiên uống trà và trà chỉ được trồng với số lượng rất ít trên lãnh thổ Vương Quốc Anh. Dĩ nhiên số trà đó không thể đủ để dùng trong nước, nên trà ở Anh phần lớn được nhập khẩu từ Ấn Độ, Sri Lanka, Trung Quốc, …. Trung bình một người Anh sẽ uống trà 3 lần mỗi ngày. Văn hoá uống trà trở nên phổ biến ở nước Anh từ sau thế kỷ thứ 17, và cho tới ngày nay bạn có thể dễ dàng thưởng thứ thức uống quốc dân này trong những phòng trà sang chảnh lâu đời bậc nhất London như The Ritz, The Cafe Royal, hay Palm Court ở khách sạn The Langham, cho tới bất kỳ những quán nước bình dân nào mà bạn có thể bắt gặp ở bất kỳ ngóc ngách của nước Anh.
Bước chân vào “nghành” rồi mình mới được chiêm ngưỡng cái sự cầu kỳ của người Anh trong cái việc thưởng trà và tạo ra thứ gọi là nghệ thuật trà chiều nổi tiếng thế giới. Dăm ba bận được theo sếp đi các buổi training trà và thưởng thức trà chiều ở những khách sạn hạng sang ở London cho mình được mở mang tầm mắt rất nhiều. Nhớ thời còn là cô du học sinh 20 tuổi, chân ướt chân ráo tới London chẳng bao giờ dám nghĩ là sẽ bỏ gần trăm bảng vào khách sạn sang ngồi thưởng trà – ăn bánh – nghe nhạc giao hưởng đâu. Đọc sách báo viết về nguồn gốc của văn hoá uống trà và trà chiều của người Anh đơn thuần từ các buổi hội họp ngồi nói chuyện phiếm của giới quý tộc và thượng lưu. Thiệt ra người ta viết đúng đó chứ không sai, vì chỉ cần một buổi đi trà chiều thôi là đủ để chúng ta mở lòng ra chia sẻ rất nhiều điều trong cuộc sống như thể là tri kỷ lâu năm vậy.
Trong chuyên mục Gia Đình của tờ báo nổi tiếng của nước Anh – The Guardian đã từng đăng một mẩu chuyện vui thế này:
“Một cặp vợ chồng tranh chấp quyền nuôi dưỡng hai đứa con sinh đôi 12 tuổi của họ. Vụ tranh chấp này kéo dài suốt 10 năm nhưng toà án và luật sư không thể đưa ra được phán quyết. Cuối cùng, thẩm phán của toà án tối cao – Bà Justice Pauffley – đã đề nghị với cặp đôi rằng, có lẽ nơi giải quyết sự việc không phải trên tòa án, mà là ở bàn ăn trong bếp. Bà đã nói với họ nên dành nhiều thời gian bên nhau hơn, đặc biệt là mỗi khi chuyển giao bọn trẻ từ nhà này sang nhà khác, và gợi ý cả gia đình nên ngồi lại uống với nhau một tách trà. Điều đặc biệt đã xảy ra với gia đình này là các thành viên dần đồng thuận với nhau và không còn tranh chấp nào nữa.” Qua câu chuyện vui nho nhỏ này đủ để chúng ta ngầm hiểu rằng cách người Anh thường dùng để giải quyết các vấn đề là cùng nhau ngồi xuống uống tách trà. Không chỉ có người Anh mới vậy, trong dân gian Việt Nam, ông bà chúng ta cũng hay nói câu “Chén trà là đầu câu chuyện”.
Nói sơ qua về lịch sử của trà – thứ quà quý của đất trời này được phát hiện vào những năm 2737 trước Công Nguyên bởi Chen Nung – vị Hoàng đế cuối cùng trong thời đại Tam Hoàng của Trung Hoa, trong một lần thư giãn dưới bóng râm của một bụi cây dại đã đun chút nước uống cho đỡ khát thì có dăm ba chiếc lá vô tình rơi vào cốc nước nóng của ông, vì tò mò, Chen Nung nếm thử và ngay tắp lự yêu thích thứ thức uống này vì sự tinh tế dịu nhẹ mà nó mang lại. Trải qua rất nhiều thế kỷ sau đó, trà được người phương Tây biết tới vào thế kỷ thứ 17 khi trở thành món quà mà người Trung Hoa gửi tới người Nga. Ngay sau đó, nhờ sự phát triển của ngành hàng hải, những thương nhân người Bồ Đào Nha và Hà Lan đã mang những túi trà khô tới với người Tây Âu và từ đây trà được biết tới là đặc sản quý giá từ Phương Đông xa xôi. Những túi trà đầu tiên được bán ở London là vào năm 1657, vào thời điểm đó rất khó để nhập khẩu trà từ phương Đông vào thị trường Anh, nên chỉ có hoàng gia, quý tộc và những người ở tầng lớp thượng lưu mới có cơ hội được thưởng trà. Trải qua nhiều thế kỷ cho tới ngày nay, trà đã trở thành thức uống yêu thích của hàng triệu người trên địa cầu này. Mặc dù uống thứ nước từ những lá trà tươi là phát kiến của người Trung Quốc từ trước Công Nguyên, nhưng chính nước Anh đang là một trong top 3 đất nước tiêu thu trà nhiều nhất trên thế giới, bên cạnh Ireland và Nga.
Trong thời đại ngày nay, thật dễ dàng để bắt ngặp những hàng dài người trẻ Châu Á xếp hàng để mua cho mình một cốc trà sữa giữa thủ đô London của nước Anh. Nhưng với những người yêu trà thì việc nhâm nhi một tách trà chưa bao giờ là thứ lỗi thời cả, nó không chỉ là một nét văn hoá mà còn là một nghi lễ phải thực hiện hằng ngày. Họ thường bắt đầu một ngày mới bằng một tách trà có màu sẫm với hàm lượng caffeine cao như English Breakfast và kết thúc một ngày bằng trà hoa cúc Chamomile hoặc trà trắng China Pai Mu Tan có màu vàng nhẹ để thư giãn vào buổi tối trước khi ngủ. Bật mí là loại trà mình cực kỳ thích và có thể uống vào bất kỳ buổi nào trong ngày là Jasmine Bai Mao Hou – đây là loại trà trắng thượng hạng mà tương truyền rằng thời phong kiến Trung Quốc chỉ dành để phục vụ cho các Quý Phi thôi. Vào buổi trưa, lúc mà ta cần tiếp thêm một chút năng lượng để hoàn thành nốt công việc trong ngày thì một tách trà Ceylon hay Formosa Oolong chắc chắn là ý tưởng không tồi đâu.
Sẽ không đơn giản như menu ở những hàng trà sữa mà bạn hay uống, ngày nay trà có tới hàng nghìn loại với những mùi vị màu sắc khác nhau, được tạo ra để phù hợp với từng nhu cầu cá nhân, hoàn cảnh và khung thời gian trong ngày. Thậm chí những phòng trà nổi tiếng thế giới như Mariage Frères hay TWG còn chuẩn bị cho từng vị khách tới uống trà một cuốn từ-điển-trà bên cạnh menu để tiện việc tra cứu.
Vậy đó, mình có hàng tá thứ để kể cho các bạn nghe về trà – thứ thức uống yêu thích nhất của người Anh bên cạnh bia và gin & tonic. Và cũng đừng ngại mà chia sẻ với mình loại trà yêu thích của bạn nhé!

một trong những client “hịn” của cty mình