Tết của du học sinh ở London

Dù mình ở London ngót nghét cũng vài năm rồi nhưng phải thú thật đây là lần đầu tiên mình vào trung tâm London để chơi Tết. Hồi xưa còn làm thêm ở nhà hàng Việt thì những ngày Tết như này mình đều đi làm vì đây là dịp mà quán đông khách, bên cạnh đó thì bản thân mình cũng muốn đi làm để kiếm thêm đặng lúc trời ấm hơn còn có “xiền” đi du lịch.

Ở nước Anh và những nước phương Tây nói chung thì không có ăn mừng Tết cổ truyền như các nước Châu Á rồi, thay vào đó thì sẽ tận hưởng kỳ lễ kéo dài từ Giáng Sinh tới hết Tết Dương Lịch. Mặc dù nước Anh thời điểm này vẫn còn trong mùa đông, thời tiết tương đối lạnh rơi vào khoảng dưới mười độ, nhưng do Tết Âm Lịch năm nay rơi đúng vào dịp cuối tuần, nên rất đông các gia đình và giới trẻ, cả người Á Đông cho tới phương Tây, tụ họp về khu phố Tàu (hay còn được gọi là China Town) để chơi Tết. Nhằm phục vụ cho việc ăn mừng ngày Tết cổ truyền của kiều bào người Hoa cũng như truyền bá nét văn hoá của người Á Đông, ban quản lý của khu China Town luôn tổ chức các hoạt động biểu diễn đặc trưng trong ngày Tết đó là múa lân sư rồng và ca múa nhạc truyền thống. Dạo một vòng khu phố Tàu trưa nay thì mình đếm sơ sơ có 4 đoàn múa lân biểu diễn phục vụ các hộ kinh doanh cũng như du khách, trong ảnh mà bạn mình chụp dưới đây là một chú lân đang trình diễn trước một cửa hàng bánh ngọt nổi tiếng nằm kế bên Chinatown Gate trên đường Wardour Street.

Với một lượng lớn du khách đổ về Chinatown ở London trong ngày mùng 1 Tết thì các nhà hàng đều đông đúc khách khứa, và không khó để bắt gặp nhiều hàng dài người xếp hàng đợi vào ăn. Do hồi sáng trước khi đi chơi mình đã kịp nấu nồi bún bò huế to oạch rồi, nên đi chơi ở China Town chỉ định ăn vặt chút thôi để bụng chiều về ăn bún nữa, quán mà mình ghé là Bun House nằm ở số 26-27 Lisle St, London WC2H 7BA. Đây là một quán ăn bé xinh được thiết kế theo phong cách Hongkong và dĩ nhiên là cũng phục vụ mấy món ăn vặt nhẹ nhàng phổ biến của Hongkong.

Mình gọi vài món ăn nhẹ bao gồm có Pig Bun (bánh bao nhân thịt heo), Custard Bun (bánh bao kim sa), Curry Fish Ball (cá viên sốt carry), Fried Mantau (bánh màn thầu chiên phủ sữa đặc), và Har Gau (há cảo tôm). Nước uống thì mình chọn Salt Lime Soda (soda chanh muối) và HK Milk Tea (trà sữa Hongkong). Tổng thiệt hại là £25 (khoảng 750k VND) cho hai người ăn. Thiệt ra đây là mức giá bình thường ở London, vì giá trị của đồng bảng Anh cao hơn rất nhiều so với tiền Việt chưa kể là mức sống và thu nhập của người dân cũng cao hơn nên nhiều lúc mình cũng thèm đồ ăn vặt là bịch bánh tráng trộn mua 20-30k ở Sài Gòn ăn no vật vã chứ không phải ăn sương sương như thế này đâu. Ở quầy gọi món người ta có bày rất nhiều các lồng hấp bánh bao, với bánh bao nhân thịt heo và bánh bao kim sa thì nhân viên họ bỏ vào cái lồng nhỏ và phục vụ ngay luôn cho mình. Riêng những món như màn thầu chiên, há cảo hấp và chả cá sốt cari thì bếp sẽ làm mới ngay sau khi nhận order nên khách sẽ được phát một cái thẻ điện tử sau khi các món ăn đã được nấu xong thì chiếc thẻ đó sẽ báo tiếng chuông bíp bíp để ra quầy nhận.

Trên mặt các loại bánh bao sẽ được đóng dấu mộc để phân loại nhưng vì mình không hiểu tiếng ghi trên đó nên họ dùng cái bao giấy trắng để đựng chiếc bánh bao kim sa, còn cái ở ngoài là bánh bao thịt heo. Bánh bao thịt heo ở đây không hề giống loại bánh bao nhân thịt bán ở Sài Gòn mà mình hay ăn hồi nhỏ, phần thịt heo được thái mỏng và xào qua có vị gần như thịt kho vậy, còn vỏ bánh bao bên ngoài có vị ngọt nhẹ và đặc biệt không có mùi ngái ngái như các loại bánh bao bình thường khác. Bánh bao kim sa thì nhiều người cũng biết rồi, còn nhớ hồi mình còn học cấp 3, bánh bao kim sa làm mưa làm gió ở Sài Gòn, đi đâu cũng thấy bán loại bánh này. Bánh bao kim sa của Bun House mặc dù tên gọi là custard bun nhưng mùi của trứng muối lấn át vị đặc trưng của custard rồi. Nhận xét khách quan thì vị bánh bao ở đây ngon, tuy vậy giá thành có vẻ đắt hơn một tẹo so với bánh bán bên nhà hàng Golden Phoenix mà mình hay ăn.

Còn về bánh màn thầu chiên thì nó chỉ đơn giản là chiếc bánh bao ngọt không nhân được chiên giòn sau đó phủ một lớp sữa đặc bên ngoài. Nghe thì có vẻ là ngọt nhưng thật ra cũng không ngọt lắm đâu, vị của bánh màn thầu chỉ ngọt nhẹ còn sữa đặc ở bên Anh này bán thì cũng ít ngọt hơn sữa ở Việt Nam (lý do là chính phủ Anh họ đánh thuế khá nặng với các loại thực phẩm thức uống có hàm lượng đường cao, nên cùng là một loại đồ ăn thức uống nhưng nếu bán ở thị trường Anh thì lượng đường sẽ được cắt giảm đi rất nhiều so với các sản phẩm bán ở Việt Nam). Món cá viên sốt cari thì mình được giới thiệu là một trong số những món ăn đường phố phổ biến ở Hongkong, vì mình chưa có cơ hội ăn món này ở vùng bản xứ, nên cũng không biết nhận xét có khách quan không nữa. Bên trong cái chén cá viên mà họ phục vụ cho mình thì ngoài cá viên ra còn có củ cải trắng và da heo chiên được nấu trong sốt cà ri, tất cả các nguyên liệu được nấu mềm và ngấm vị. Nói về cà ri Hongkong thì vị của nó không nồng như cari Ấn, nhưng cũng không có ngọt béo vị nước dừa như cari Thái hay Việt Nam. Nếu bạn chưa ăn bao giờ thì có thể gọi ăn thử cho biết cũng được chứ về phần mình thì nó cũng không có gì đặc biệt lắm. Há cảo tôm có lẽ là món đặc sắc nhất ở đây, phần nhân tôm được làm đầy đặn và giòn, vỏ bánh được hấp chín tới mềm vừa đủ, nếu bạn nào thích ăn đậm đà thì có thể chấm kèm với nước tương.

Vậy là xong phần đồ ăn, giờ mình review sang nước uống. Khác với các quán khác là soda chanh sẽ được pha với nước soda hay sparkling, soda chanh muối ở đây là một phần tư trái chanh muối được dầm ra rồi đổ vào 7Up quậy quậy lên. Theo mình nghĩ là 7UP có sẵn đường rồi thì nhân viên tiết kiệm được công đoạn là pha đường và nêm nếm cân đo cho vừa. Ăn đồ ngấy ngấy thì uống nước soda – combo này chẳng có gì để mà bàn cãi đâu. Với một người không khoái khẩu đồ ngọt như mình trà sữa Hongkong ở đây pha là vừa miệng, cũng không có gì gọi là đặc biệt lắm chỉ là trà đen pha với sữa và xíu đường thôi. Nhân viên họ pha sẵn một bình trà sữa để trong tủ lạnh, khi mà mình order thì họ chỉ rót vào trong cái ly nhỏ rồi cắm ống hút lên thôi.

Sau khi ăn xong mình có đi dạo phố một xíu rồi về, cảm giác ăn Tết ở xa nhà cũng có cái buồn nhưng cũng khá là thoải mái vì mình không phải đi chúc tết họ hàng hoặc phát hoảng với việc tiếp khách và rửa chén ngày Tết. Tối hôm giao thừa, mình đi làm về rồi ăn bữa nho nhỏ quây quần ở nhà cùng các anh chị bạn chung nhà, cũng có bánh chưng gà luộc và các món Tết bình thường, rồi mùng một thì vào trung tâm đi chơi dạo dạo xíu như vậy thôi. Ngày Tết mà, quan trọng vẫn là ấm no và bình yên chứ cần gì hơn nữa đâu!

Happy Lunar New Year! From London with love :’)

2 responses to “Tết của du học sinh ở London”

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Create a website or blog at WordPress.com

%d bloggers like this: