Đôi điều chuyện đi làm ở Anh

Dạo vài hôm trước mình đọc được bài viết của chị Nguyễn Thiên Ngân – một tác giả thơ mà mình thích – bài viết tên là “EM THƯƠNG MẾN, ĐỪNG ĐỂ MÌNH KHÁNH KIỆT”. Trong từ điển tiếng Việt, từ “khánh kiệt” có nghĩa là hết sạch sành sanh. Tuổi trẻ và còn dồi dào sức khoẻ, ai cũng mong mình được sống hết mình, vét sạch vốn liếng để làm để cống hiến, đó là điều tốt chứ không xấu. Mặc dù đa số thời gian là mình làm biếng, chỉ muốn được rong chơi được ườn mình nằm trong chăn vào những ngày đông, nhưng mình cũng sợ lắm, sợ bản thân nếu không tiếp tục tiếp thu kiến thức và lao động thì mình sẽ tụt hậu lại với xã hội này, sẽ nhạt nhẽo và chẳng còn gì hay ho với chính bản thân nữa.

Loáng một cái mà cũng đã đi làm “công việc người lớn” được 6 tháng rồi. So với các bạn của mình ở VN thì nó cũng chẳng đáng là gì hết đâu, trong khi mình còn đang đi học thì bạn mình đã là sếp, là team leader lận lưng vài năm kinh nghiệm đi làm, còn phần mình thì chỉ vừa mới đi qua được vạch xuất phát.
Vậy mà 6 tháng qua nó cũng cải tiến được con người mình nhiều lắm, hồi xưa mình biết cái này cái kia một chút, cứ tưởng là bản thân rất gì và này nọ rồi. Nhưng mà đi làm với Tây rồi, mình thấy mình còn kém cỏi nhiều thứ lắm, còn bé xíu như một hạt cát thôi.
Hồi mình mới vào làm ngơ ngơ như con bò đeo nơ vậy, may mắn là có bạn tiền bối cầm tay chỉ việc, khuyên mình phải dạn dĩ hơn, phải giao tiếp nhiều
lên nói tiếng Anh nhiều lên. Tại ngơ mà, nên mình cũng cố gắng trau dồi kiến thức học thêm cái này cái kia, rồi mình thấy đúng là muốn học nhanh và tiết kiệm thì chỉ có đi làm, từ áp lực công việc, cho tới thúc giục từ mọi người thì mình mới thì mình mới phát triển được. Dù công ty của mình làm cũng bé xinh thôi, lương đi làm văn phòng ở entry level nên chẳng bằng các bạn đi bưng phở hay làm móng. Đã vậy còn tự làm tất tần tật những gì liên quan tới marketing, có lần supervisor đi qua công ty mình kiểm tra còn trêu là “tao thấy mày đi làm mà ứng dụng được hết mấy cái đã học ở trường hen”. Đa phần thời gian mình toàn cắm mặt vào màn hình hết laptop tới điện thoại, từ 9 rưỡi sáng tới 5 rưỡi chiều là hai con mắt nó căng ra, cổ với lưng thì mỏi nhừ, cố hong nổi nữa nên phải mua omega 369 về uống.
Đi làm thì công ty nào và người sếp nào cũng có cái hay cái dở. Nhiều lúc mình cũng áp lực rồi cũng bực sếp lắm, nhưng nghĩ lại thấy mình đang được cho cơ hội để học để làm, cứ khó chịu hoài chi rồi chẳng làm gì nên hồn. Rồi dạo này mình nhận ra cái may của mình là đã chịu hạ cái tôi cá nhân xuống, lắng nghe góp ý của mọi người, từ từ “sẽ biết cái gì là thứ cần nắm bắt và cái gì cần phải buông xuống”.

Dù công việc bây giờ thấy nhiều áp lực hơn hồi xưa đi bưng phở, lương cũng ít hơn nhiều, bù lại mình nhận ra những điều mình còn kém, biết phải rèn luyện thêm gì để cải tiến bản thân, biết phấn đấu trong công việc (mặc dù khả năng được tăng lương hay thăng chức thì hong có rồi trừ khi kiếm được job mới xịn hơn thôi) vì mình được cho cơ hội làm thứ từ lâu mình đã muốn làm. Dĩ nhiên là có nhiều thời gian để tô vẽ cho cuộc sống thêm nhiều phần giá trị, chẳng hạn như viết blog review chuyện ăn uống. Rồi sẽ biết “đâu là mộng lớn của người khác, còn đâu là ước vọng của chính mình”.
Cách đây vài hôm, mình được mời đi chia sẻ kinh nghiệm học hành cho các em nhỏ tuổi hơn, nhưng bản thân tự thấy học hành cũng hong ra gì hết nên mình quyết định động viên các em đi tìm việc làm, đi du học thì ráng mà tìm việc làm cho Tây, để trước nhất là học cái lời ăn tiếng nói, sau đó là học thêm nhiều điều giá trị khác. Dù mình biết rằng đại đa số ai cũng thích đi làm trong cộng đồng người Việt vì mọi thứ luôn dễ dàng hơn khi chúng ta cùng nói một ngôn ngữ và phát triển từ chung một nền văn hóa. Tầm này rồi vẫn không giỏi giang gì hơn người nên cũng chỉ mạo muội chia sẻ là people face trade-off, what we get is what we paid for!

Mình mạn phép trích lại bài viết của chị Ngân sau đây:

“Mấy năm trước, tôi có viết một bài về work – life balance. Gần đây nhân một câu chuyện rất buồn có đôi chút liên quan, bài viết đó một lần nữa được share lại. Một số phân tích những luận điểm trong bài đó sai chỗ nào, nếu đánh giá dựa trên năng suất công việc. Một số người đồng tình, nếu đánh giá dựa trên chất lượng cuộc sống, hay khốc liệt hơn, mạng sống.
Tôi nghĩ mình đã làm được việc là đưa ra thêm một góc nhìn.

Nhưng rốt cuộc thì, khi mọi tranh cãi khép lại, cũng chỉ còn ta với ta mà thôi.
Tấm lưng đó cái cổ đó còn thẳng hay đã thoái hóa, chỉ mình ta biết.
Bao tử còn xài được qua ngày hay đã loét lủng, mình ta biết.
Trái tim đó còn phập phồng những mộng phi thường, hay đã chai sạn theo những bài học, chỉ mình ta biết.
Người yêu vẫn hiểu và thông cảm hay đã mắc chia tay, mặc kệ ta với những ngày tháng OT và con đường danh vọng của ta, chỉ mình ta biết.
Gia đình vẫn ở đó chờ ta về, hay đã ít nhiều tổn thương vì những cơn bão ta mang, cũng chỉ mình ta biết.
Và ta, ta đang ở đâu trên con đường phát triển bản thân – như một con người? Chỉ mình ta biết.

Tôi không dám chắc mình đã đi qua mọi cung bậc cần có của đời đi làm. Nhưng tôi tin mình đã nhận đủ những bài học để nghiệm ra một điều, mà ước gì tôi được nói với tôi ngày tuổi trẻ: “Em ơi, hãy lắng nghe em!”

Một khi em lắng nghe được bản thân, không ai có thể làm cho em lung lạc nữa. Không ai dám nói “Em làm thế này sẽ tốt cho con đường ABCDXYZ của em hơn”, vì chính em sẽ biết điều gì là tốt nhất cho mình.
Em sẽ biết mình khi nào mình nên đi tiếp, hay thay đổi, hoặc dừng lại.
Em sẽ phân biệt được đâu là con đường, đâu là đích đến.
Em sẽ biết đâu là mộng lớn của người khác, đâu là ước vọng của chính mình. Đôi khi hai thứ đó gần như là một, rồi đến một ngày nhìn lại sao bỗng nhiên khác xa nhau, nhưng không sao cả. Hãy biết ơn vì đã cùng đi một đoạn.
Em sẽ biết đâu là giới hạn em có thể chịu đựng, và khi nào phải biết đầu hàng. Suy cho cùng, chịu đựng hay đầu hàng đều rất cần dũng khí.
Em sẽ biết cái gì là thứ cần nắm bắt, và cái gì cần phải buông xuống. Vì rốt cuộc, em cũng chỉ có hai tay mà thôi.
Em sẽ được sống với lòng từ ái và sự thấu cảm trọn vẹn, vì em không còn đánh giá ai dựa trên năng suất. Em nhìn một-người-như-họ-vốn-là, chứ không phải đứa-đó-cảm-tính-quá-không-làm-việc-hiệu-quả-đâu. Đó cũng là một thứ tự do, mà rất nhiều người giàu lắm cũng chưa từng nếm trải.
Cái ngày em lắng nghe em, là ngày em nhận ra mình đang có tất cả tự do trên đời này, cùng với những trách nhiệm mà nó mang kèm. Em sẽ không đổ lỗi cho bất cứ ai hay điều kiện ngoại cảnh nào bắt em PHẢI làm thế này hay thế khác. Vì đó là điều em lựa chọn.

Rồi tôi sẽ kể cho tôi ngày đó nghe một câu chuyện nhỏ. Có một đêm làm việc quá khuya, tôi chỉ có thể đứng, vì cái lưng thoái hóa đã không còn cho phép mình ngồi. Một chị đồng nghiệp, mà đến bây giờ tôi còn mãi biết ơn, đã nhìn tôi rất lâu rồi nhỏ nhẹ “Em à, hãy hình dung sức khỏe của em là một cây ATM. Mỗi ngày em đều cầm thẻ ra đó rút một cọc để xài. Một phần em đem đổi tiền mặt, một phần em đem đổi ngợi khen và thành công, một phần em nạp vào cơn háo thắng. Hình như em đang vung tay quá trán?!”

Em thương mến, đừng để mình khánh kiệt.”

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Create a website or blog at WordPress.com

%d bloggers like this: