Thẻ di chuyển Oyster trong London hoạt động như thế nào?

Bạn có biết “How do Oyster cards work? (tạm dịch: Thẻ Oyster hoạt động như thế nào?) là một trong số những câu hỏi về London được tìm kiếm nhiều nhất trên Google trong suốt thời gian qua, bên cạnh những câu hỏi phổ biến như “why is London so expensive” hay “why is London called the big smoke”. Thậm chí, tạp chí Time Out nổi tiếng ở Anh còn có một chuyên mục riêng để giải đáp những thắc mắc về London – thủ đô của nước Anh và cũng là một trong những điểm đến du lịch đắt khách nhất hành tinh.

Đối với bất cứ ai đang sống hoặc phải thường xuyên di chuyển trong nội thành London, thì chiếc thẻ di chuyển Oyster phải luôn là vật bất li thân và sát cánh bên cạnh như một người bạn đồng hành, kể từ khi được sử dụng rộng rãi vào tháng 7 năm 2003. Mai đã từng đề cập về sự quan trọng của chiếc thẻ này trong bài viết Cuộc sống của Du học sinh Anh (p.3).

Chính quyền London đã đặt tên chiếc thẻ di chuyển là Oyster Card bởi vì con sông Thames – biểu tượng của thành phố – còn được biết tới vì có rất nhiều oyster (con hàu) cư trú ở khúc cửa sông này. Bên cạnh đó, nó còn mang ý nghĩa ẩn dụ về sự bảo mật, bởi vì vỏ ngoài của con hàu rất cứng để bảo vệ viên ngọc trai quý giá bên trong. Ở London, nếu như bạn nói câu “the world is your oyster” với một ai đó, nó có nghĩa rằng bạn đang động viên người đó hãy làm bất kỳ điều gì hoặc đi bất cứ nơi đâu mà họ muốn.

Vậy bên trong những chiếc thẻ xanh bé tí đó chứa đựng những gì và cách thức hoạt động của nó như thế nào? Trong mỗi một chiếc thẻ Oyster chứa đựng những con chip nhỏ xíu sử dụng kỹ thuật nhận dạng tần số vô tuyến (trong tiếng Anh gọi là Radio Frequency Identification Technology). Khi bạn chạm chiếc thẻ này lên một cái ô tròn màu vàng đặt ở các cửa soát vé của ga tàu điện công cộng hay cửa đi lên bus, thì công nghệ đó truyền sóng vô tuyến thông qua đầu đọc điện từ đến hệ thống bán vé. Hoạt động này giúp cho việc cập nhật số dư trong thẻ cũng như kiểm tra xem việc bạn có đang di chuyển trong London bằng chiếc thẻ hợp lệ, đồng thời hỗ trợ Văn phòng Vận Tải của London (Transport for London) theo dõi xem người dân đang sử dụng phương tiện công cộng như thế nào.

Chiếc thẻ Oyster từng được xem là một trong những thành quả to lớn của cách mạng kỹ thuật vào những năm đầu thế kỷ thứ 21 tại London. Nhưng ngày nay, việc thanh toán phí di chuyển bằng thẻ contactless, Apple Pay hay Google Pay đã dần trở nên phổ biến ở London, chính quyền thành phố cũng đưa ra chiến dịch cổ động người dân sử dụng thẻ tín dụng hay ứng dụng thanh toán trực tuyến khi di chuyển bằng hệ thống phương tiện công cộng, nhằm giảm tải số lượng thẻ oyster được tiêu thụ hằng năm. Việc sản xuất các thẻ oyster tiêu tốn rất nhiều chi phí, cũng như khối lượng nhựa được dùng để tạo ra hàng triệu chiếc thẻ xanh dương bé tí chỉ để dùng cho việc di chuyển trong nội thành London. Chiến dịch này được gọi là “Daily Cap”, £7 (tương ứng với khoảng 210,000 VND) là hạn mức tối đa mà bạn phải trả cho việc dịch chuyển trong khắp London cả ngày, mà không bị giới hạn số chuyến đi.

Và mình sẽ không quá ngạc nhiên về một ngày những chiếc thẻ xanh bé tí – từng là biểu tượng của sự phát triển công nghệ đầu thế kỷ 21 – sẽ nằm lãng quên đâu đó trong ngăn kéo tủ của cư dân London sau vài năm tới.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Create a website or blog at WordPress.com

%d bloggers like this: