Cũng sẽ rất dễ hiểu thôi nếu trong những tuần đầu tới Anh, mọi cảm giác bỡ ngỡ, lạ lẫm hay cô đơn bủa vây lấy bạn khi bắt đầu cuộc sống mới tại một đất nước xa xôi, không có gia đình hay bạn bè thân quen kề cạnh. Nhưng yên tâm đi, vì cảm giác ấy sẽ chóng qua nếu như bạn chuẩn bị cho bản thân một tinh thần thật vững vàng để ứng phó với cuộc sống của một du học sinh tại Vương quốc Anh.
Nếu như ở hai bài blog trước mình đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc nhập cảnh – di chuyển tại sân bay Heathrow, và làm thủ tục nhập học ở trường Đại học thuộc Vương quốc Anh. Thì ở bài viết thứ ba này, mình sẽ viết về những thứ mà một tân du học sinh cần biết khi sống và học tập tại Vương quốc Anh.
Sử dụng Travel card (hay còn gọi nôm na là thẻ di chuyển): Ở Vương quốc Anh, bạn sẽ có rất nhiều sự lựa chọn trong việc đi lại, bao gồm train, bus, ferry và taxi. Trong số đó, phổ biến nhất là train (tàu điện) bởi vì Vương quốc Anh sở hữu hệ thống tàu điện lâu đời bậc nhất trên thế giới cho phép người dân có thể di chuyển tới khắp mọi miền đất nước nhanh, tiện lợi và an toàn nhất. Nếu bạn là một người thích dịch chuyển và mê du lịch giống mình, thì khuyên bạn là nên đăng ký Railcard sớm nhất có thể, bởi với chiếc thẻ này bạn sẽ có 30% ưu đãi khi mua vé tàu đi lại giữa các tỉnh và thành phố trong Vương quốc Anh, tiết kiệm một số tiền kha khá đó. Có rất nhiều gói Travel và thời hạn khác nhau, nhưng mình gợi ý các bạn sinh viên nên mua loại 16-25 Railcard giá là £30 sử dụng trong một năm. Một lưu ý nhỏ là đối với những bạn trên 25 tuổi, nhưng vẫn là sinh viên theo học tại các trường Đại học thuộc Vương quốc Anh, cần có giấy xác nhận sinh viên của trường để đăng ký mua Railcard 16-25. Mọi thông tin chi tiết và mua thẻ online bạn có thể xem trên website Railcard.
Đối với những bạn sống tại London hoặc thường xuyên ghé London để chơi và làm việc, thì hẳn sẽ quen thuộc với chiếc thẻ Oyster. Một bài chi tiết mình đã viết về chiếc thẻ xanh be bé nhưng quan trọng với bất kì một Londoner nào, bạn xem tại Thẻ di chuyển Oyster hoạt động như thế nào?. Oyster card là một chiếc thẻ thông minh hỗ trợ thanh toán như thẻ tín dụng cho các phương tiện di chuyển công cộng trong London. Khi nạp tiền vào Oyster, bạn có thể đi bus, Tube, tram, DLR, London Overground, TfL Rail, Emirates Air Line, dịch vụ River Bus và đa số các tuyến National Rail trong nội thành London. Bạn có thể mua thẻ Oyster tại các bến tàu trong London hoặc đăng ký online trên website TfL. Một gợi ý quan trọng nữa là, các bạn sinh viên nên đăng ký Oyster 18+ Student để được hưởng 30% ưu đãi cho tất cả những lần mua vé tuần, tháng, năm (Season Tickets) để di chuyển bằng phương tiện công cộng trong London. Một tiện ích khác mà cũng nhiều bạn sinh viên mới không biết, đó là bạn có thể tích hợp chiếc thẻ Rail Card vào Oyster Card để được hưởng 30% ưu đãi cho tất cả các chuyến đi dưới hình thức Pay-as-you-go bằng phương tiện công cộng trong London trong khung thời giờ thấp điểm (Off-Peak time). Nhưng thông tin khác và đăng ký mua Oyster 18+ Student, bạn xem tại website.
Smartphone dành cho Smartpeople: Hầu hết các bạn du học sinh ở Anh đều sở hữu cho bản thân một chiếc smartphone hỗ trợ IOS hoặc Android, nhưng lại chủ yếu chỉ dành nó cho mạng xã hội, nghe nhạc hay xem phim. Nhưng khi tới Vương quốc Anh – một đất nước phát triển và nhộn nhịp trong hàng bậc nhất thế giới, thì chiếc smart-phone của bạn nên được tối đa công suất của nó, giúp cho bạn tra cứu thông tin và sử lý công việc tiết kiệm thời gian hơn.
‘Google sẽ cho bạn mọi câu trả lời’. Nếu như bạn cần tìm siêu thị, quán ăn hay hiệu thuốc gần nhất, nhưng không biết hỏi ai hoặc không có ai để hỏi, thì hãy lên google. Ví dụ, bạn muốn biết xem có siêu thị Châu Á nào ở gần chỗ bạn không, thì search “Asian supermarket near me”, tương tự như vậy với những thứ khác.
Để tra cứu thông tin di chuyển, mình gợi ý bạn nên sử dụng Google Map hoặc Citymapper. Các ứng dụng nãy sẽ giúp bạn tính toán khoảng thời gian di chuyển và lộ trình từ điểm bạn xuất phát cho tới đích đến mà bạn muốn, cũng như gợi ý các phương tiện di chuyển nhanh nhất.
Một ứng dụng khá hay ho dành cho sinh viên tại Vương quốc Anh khi đi mua sắm, là Unidays. Đây là ứng dụng miễn phí, cho phép sinh viên được hưởng những ưu đãi giảm giá khi mua hàng tại store hoặc online từ rất nhiều thương hiệu, bao gồm thời trang, công nghệ, giải trí và ăn uống. Mọi thông tin chi tiết và đăng ký tài khoản Unidays bạn xem tại website.
Việc sử dụng các trang thương mại điện tử để phục vụ cuộc sống thường nhật ở Vương quốc Anh là rất phổ biến, điển hình là mua sắm trên Amazon. Một du học sinh bình thường như mình hay lên Amazon để tìm mua sách, thiết bị điện (bóng đèn, máy sưởi, quạt,…), board-game (ma sói, uno, cờ tỉ phú,…), dụng cụ nhà bếp. Nên nếu bạn muốn mua vật dụng gì đó, nhưng không biết mua ở đâu có thể lên Amazon để tìm. Một tip nhỏ mình muốn chia sẻ, là nếu bạn hay mua đồ trên Amazon, hoặc có một nhóm bạn có nhu cầu tương tự, thì nên đăng ký dùng dịch vụ Amazon Prime để nhận hàng nhanh nhất có thể, tiết kiệm chi phí đóng gói và vận chuyển,… và khá nhiều ưu đãi khác bạn có thể xem tại website Amazon Prime. Bổ sung thêm là Amazon có offer 6 tháng miễn phí sử dụng Amazon Prime, để đăng ký cho gói khuyến mãi này, bạn chỉ việc tìm kiếm keyword Amazon là nó sẽ hiện ra ngay trên top search luôn.
Ăn uống cũng là một vấn đề khá nhức đầu với các bạn du học sinh tại Vương quốc Anh, vì sống tự lập nên cũng phải tự lo vấn đề ăn uống cá nhân. Ở Anh có rất nhiều siêu thị (e.g Mark&Spencer, Tesco, Sainsbury, Lild, Co-op, Morison,…), chợ hoặc cửa hàng địa phương để bạn mua thực phẩm về chế biến. Để biết địa chỉ mua thực phẩm tốt và rẻ ở gần khu bạn sống, thì có thể hỏi landlord và flatmate của bạn hoặc Google. Nếu bạn là một sinh viên có không có thời gian do bận học hoặc điều kiện tài chính dư dả, không biết nấu và cũng không muốn nấu ăn, thì nên download các ứng dụng Deliveroo, UberEat, JustEat để đặt đồ ăn và có người mang tới tận nhà, việc của bạn chỉ là ngồi nhà thưởng thức thôi.
Bài viết này mình chỉ đề cập về những điều cơ bản mà du học sinh tại Vương quốc Anh cần phải biết. Hi vọng với bài chia sẻ này, các bạn tân sinh viên sẽ tự tin hơn để bắt đầu cuộc sống sinh viên xa nhà ở Anh nhé. Nếu bạn đang chuẩn bị để lên đường đi du học Anh mà vẫn còn “đau não” vì không biết chuẩn bị hành lý như thế nào, thì xem qua bài chia sẻ “10 điều lưu ý khi xếp hành lý đi du học Anh” của mình nhé, hy vọng sẽ cung cấp cho bạn có thêm thông tin hữu ích.
3 responses to “Cuộc sống của Du học sinh Anh (P.3)”
Bài viết hay quá bạn ơi. Bạn có thể viết thêm về việc làm thế nào để enjoy cuộc sống ở UK 1 cách tối đa nhất không (học, tham gia clb của trường, du lịch, tham gia vietsoc, vv.).
Mình muốn tìm việc campus work như là làm cho student ambassador hay thư viện thì có cơ hội không?
Mong các bài viết tiếp theo của bạn.
LikeLiked by 1 person
Cám ơn bạn đã đọc bài viết của mình 😀 Ở UK ngoài việc học ra thì mình luôn khuyến khích mn nên có những trải nghiệm sống khác bao gồm đi làm thêm, tham gia clb, tình nguyện, và du lịch. Nếu bạn có ý định muốn tham gia clb của trường thì trong tuần đầu tiên của kì nhập học sẽ có một ngày cho các clb giới thiệu và chiêu mộ sinh viên mới, bạn có thể tham gia và ứng tuyển vào clb mà bạn thấy phù hợp nhất.
Còn để apply làm việc part-time cho trường bạn có thể ghé Career Hub của trường để có thêm các thông tin về Jobs vacancies, và follow trang Facebook, Twitter của họ để cập nhật các thông tin việc làm mới nhất. Hồi mình học ĐH thì cũng có quen 1 vài bạn sinh viên VN đươc làm studen ambassador, nên mình nghĩ việc tuyển chọn cũng không quá khó khăn đâu.
Thông thường số lượng sinh viên VN ở các trường ĐH Anh khá ít, nên bạn có thể contact với các bạn khoá trên để tham gia Vietsoc của trường, hoặc follow trang SVUK để có thêm thông tin nhé. Vì mình không hứng thú với hoạt động đoàn hội từ lúc học ở VN nên vấn đề này mình không rành lắm.
Nếu bạn học bậc Cử nhân ở Anh, thì trung bình sẽ được nghỉ hè 4 tháng. Trong dịp này thì sẽ không có bài vở deadline gì hết nên mình khuyên bạn nên tranh thủ đi du lịch hoặc đi làm để có thêm thu nhập.
Đi du lich ở trong Vương quốc Anh (bao gồm các nước Wales, Scotland, và North Ireland) bạn sẽ không cần xin Visa. Mình thường dùng app Trainline để check vé tàu, hoặc EasyJet để xem vé máy bay, rồi mua vé online luôn.
Nếu bạn muốn đi du lịch các nước Châu âu thì bắt buộc phải xin Visa Schengen, thường thì bạn đi nước nào đầu tiên thì nên xin visa ở Đại sứ quán nước đó. Ví dụ, bạn chọn Pháp là nước đầu tiên trong chuyến du lịch Châu âu, thì visa của bạn nên được cấp ở ĐSQ Pháp.
Nếu bạn ở các thành phố lớn của Anh, việc làm thêm thì chắc không thiếu đâu, nếu bạn có ý định muốn đi làm thêm trong quá trình học ở UK thì contact với Career Hub. Thông thường sinh viên trên 18t theo học ĐH ở Anh sẽ được cấp trong Visa 20 tiếng làm việc/ 1 tuần. Bên cạnh đó các group SVVN cũng thường đăng tin tuyển dụng bạn có thể tham khảo.
Hy vọng những thông tin mình chia sẻ có hữu ích cho bạn. Have a lovely day! 😀
LikeLiked by 2 people
Cám ơn comment của bạn hehe. Hồi ĐH mình tập trung vào kiếm GPA cao nên tham gia hoạt động không nhiều lắm. Lên master phải bù lại ^^
Mình cũng nghĩ như bạn, đi du học không phải chỉ học mà phải có thời gian trải nghiệm nữa. Chắc mình chỉ chọn 1 trong 2 hoặc là làm part-time hoặc là tham gia CLB thôi chứ sức mình không kham được cả 2. Mà mình không thích đi làm bồi bàn, bán hàng mà muốn làm việc trong 1 môi trường chuyên nghiệp thực sự ý.
Mình cũng thích tham gia committee vietsoc cơ mà tính hướng nội không biết có làm được không. Anyways cám ơn bạn nhé.
LikeLiked by 1 person